MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa, nguồn: CCGroup

1 ngày và 13 năm

CAO HÙNG LDO | 06/08/2017 19:15
Ngày 28.6.2017, TAND tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử một vụ án mà nội dung xem chừng khá hy hữu vì liên quan đến chủ trương cải cách hành chính của bộ máy công quyền.

Nguyên năm 2004, bà Lê Thị Tuyết Đ. làm ăn thua lỗ, trở thành con nợ 2,2 tỉ đồng của nhiều người ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Trong số này có bà Ph. đã ép chủ nợ ký hợp đồng sang nhượng căn nhà bà ta đang ở với giá 1,1 tỉ đồng.

Sau khi cấn trừ các khoản, căn nhà trên chỉ còn với giá… 220 triệu đồng. Tuy nhiên, chuyện bán nhà trong tình thế bị ép buộc trên đã vấp phải sự phản đối của người thân trong gia đình và tháng 10.2004, toà án mời các bên lên hoà giải, làm rõ.

Bất ngờ tại tòa, bà Ph. trưng ra Quyết định số 3768/QĐ-UB, do ông Phan Văn Phúc - Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài, ký ngày 7.10.2004, công nhận chủ quyền căn nhà của bà Đ. đã thuộc về bà Ph. thể hiện bằng sổ đỏ số 01139.

Theo bà Đ. kể từ lúc bà bị ép ký hợp đồng bán nhà, trong vòng có 1 ngày (tức 8 giờ hành chính), không biết cách gì, mà hồ sơ bán nhà đã qua đủ… 8 cửa, với 7 con dấu và cuối cùng là hoàn tất thủ tục, ra sổ đỏ do bà Ph. đứng tên… nóng hổi.

Ông Phan Văn Phúc - Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài (lúc đó) - phân trần: “Do UBND thị xã Đồng Xoài tiến hành cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt những thủ tục rườm rà, tránh phiền hà cho dân. Vì thế, việc cấp sổ đỏ, sổ hồng cho người dân trở nên rất… nhanh chóng”(?!). Chuyện cấp sổ đỏ trên chỉ trong… 1 ngày đã khiến địa phương này trở nên “điển hình” trong cải cách hành chính, với thời gian cấp sổ sở hữu cho người dân nhanh nhất nước.

Từ cuốn sổ sở hữu này, vụ tranh chấp căn nhà giữa bà Đ. cùng gia đình với bà Ph. đã kéo dài cũng ở mức kỷ lục - hơn 13 năm qua. Và ngày 28.6.2017 mới đây, TAND tỉnh Bình Phước đã bác yêu cầu đòi chia tài sản chung của thân nhân bà Đ. và phán quyết chung cuộc thuộc về người được cấp sổ đỏ trong một ngày là bà Ph. Vẫn biết rằng chuyện nợ nần trong dân gian vốn phức tạp, nhưng “huy động” được cả hệ thống công quyền để một quyển sổ sở hữu nhà đất lọt qua 8 cửa, với 7 con dấu là một hiện tượng quá hy hữu.

Vụ kiện tranh chấp ngôi nhà nói trên, xét về mặt luật thì tòa tuyên không phải không có cơ sở. Tuy vậy căn cứ để Tòa án Bình Phước dựa vào, không cần kiến thức pháp luật chuyên sâu cũng thấy... có vấn đề. Mười ba năm, nhiều đời lãnh đạo, nhưng việc xem xét lại một bản văn hành chính có dấu hiệu bất thường, dẫn đến sai lệch kết quả vụ án, cũng là việc nên làm đối với cơ quan công quyền thị xã Đồng Xoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn