MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bạo lực sân bay

THẨM HỒNG THỤY LDO | 13/12/2018 08:52
Xã hội đã nảy sinh không ít loại bạo lực, gần đây, một vấn nạn xã hội mới rộ lên chính là bạo lực sân bay.

Khách đi máy bay vì lý do nào đó chửi bới, hành hung tiếp viên, nhân viên hàng không, trong một số vụ thậm chí còn hành hung một cách thô bạo.

Theo thống kê, tháng 11.2018 đã xảy ra tổng cộng 13 vụ gây rối, hành hung nhân viên hàng không và tiếp viên. Vụ thô bạo nhất vừa diễn ra chưa lâu tại sân bay ở Thanh Hóa, ba đối tượng xông vào hành hung nữ nhân viên hãng bay chỉ vì… không đồng ý chụp ảnh cùng. Thậm chí có những lý do… rất lãng xẹt và vô lý: Vì phải xếp hàng, vì thiếu chỗ để hành lý vì đến muộn không được bay, vì máy bay phải chuyển hướng do thời tiết xấu v.v…

Chúng ta đã từng có nhiều phê phán, cảnh báo về thái độ ứng xử không đúng mực, thói cửa quyền, hách dịch hay cách phục vụ lạnh lùng, thiếu chu đáo... của các nhân viên hàng không và tiếp viên. Đó là một thực tế hiện vẫn còn xảy ra. Nhưng cũng có một thực tế khác, khi ngành hàng không bùng nổ đặc biệt là với các chuyến bay giá rẻ, số lượng hành khách tăng lên đột biến. Năm 2018, ước tính có gần 100 triệu hành khách thông qua các cảng hàng không tại Việt Nam, trong số đó có không ít người chưa quen và chưa có hiểu biết văn minh đi máy bay cho nên cũng xảy ra những hành xử không đúng mực, những hành vi manh động. Tình trạng nhục mạ, hành hung tiếp viên và nhân viên hàng không còn cho thấy tính côn đồ và yếu tố bạo lực đã len vào không gian sân bay/máy bay là nơi xưa nay vốn dĩ trật tự và nền nếp.

Theo số liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), từ năm 2007-2010 cứ 1.600 chuyến bay trên toàn cầu mới có một vụ gây rối. Nhưng từ năm 2011 trở lại đây, cứ 1.200 chuyến bay lại xảy ra một vụ. Những vụ chửi bới, hành hung tại sân bay và trên các chuyến bay cũng rộ lên tại Việt Nam trong vài tháng trở lại đây có lẽ đã định hình một loại tình trạng được gọi là “bạo lực sân bay” buộc các cơ quan quản lý, cụm cảng và doanh nghiệp hàng không phải tính đến các giải pháp ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu để tránh dẫn đến hậu quả khó lường. Điển hình như vụ ba thanh niên đánh nữ nhân viên hãng hàng không vì không được chụp ảnh cùng, nếu cụm cảng có giải pháp ngăn ngừa, nhân viên an ninh có nghiệp vụ xử lý khéo léo và kiên quyết thì những kẻ có thói côn đồ không dễ gì ra tay thô bạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn