MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Báo Công Thương

Bất trị!

TRIỆU HÙNG LDO | 10/02/2018 07:02
Năm nay, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã sớm triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất bằng 6 đoàn kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố tập trung đông dân cư.

Các cuộc kiểm tra nhằm vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố… Cùng lúc này, các địa phương cũng tổ chức các cuộc kiểm tra quy mô không kém, đối với các điểm mua bán tập trung, cơ sở dịch vụ ăn uống.

Đầu tháng qua, tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã thí điểm cho mở những điểm kinh doanh “đối ứng” thực phẩm sạch hoặc điểm dịch vụ nhà hàng an toàn. Tuy vậy, toàn thành phố hơn 1 triệu dân, quả là khó để bảo đảm sức khỏe cho tất cả bằng cách này. Dạo quanh một vòng thị trường bất kỳ, không khó bằng mắt thường có thể thấy không ít các loại hàng hóa, bánh, mứt kẹo không nhãn mác, xuất xứ bày bán tràn lan, đặc biệt khu vực nông thôn gần như mất kiểm soát, khiến người tiêu dùng dấy lên nỗi lo lắng. Theo lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, càng về cuối năm tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới càng phức tạp. Hàng hóa chủ yếu là nhóm các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao và tiêu dùng thiết yếu.

Ngoài ra, rượu không xuất xứ, được điều chế từ cồn công nghiệp cũng lẩn lút lưu thông mạnh trong dân chúng khu vực nông thôn. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị ngộ độc methanol cấp. Tất cả đều uống rượu không rõ nguồn gốc mua ở các quán cóc. Các bác sĩ lo ngại xu hướng gia tăng ngộ độc rượu trong những ngày cuối năm khi mà mọi người liên tục tụ họp, uống rượu mừng xuân. Nhất là những cuộc nhậu ngoài hàng quán nếu không kiểm soát được nguồn rượu, uống phải rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp, nguy cơ ngộ độc rượu là rất lớn.

Điều khó hiểu là cứ tết đến, xuân về là nỗi lo thực phẩm bẩn cứ lặp lại, dai dẳng một cách bất trị; năm này cao hơn năm trước, dù biện pháp kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng luôn được “tăng cường”. Ví dụ năm 2017, Hà Nội đã thành lập 817 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; tiến hành kiểm tra hơn 111 nghìn cơ sở, thì có đến hơn 20% trong số đó vi phạm pháp luật an toàn thực phẩm; số tiền phạt lên đến hơn 37 tỉ đồng, tăng đến hơn 9 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn