MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bức bách quản lý tài sản công

CAO HÙNG LDO | 18/05/2018 06:20
Có dạo, dư luận cảnh báo những nhóm lợi ích thò bàn tay đen vào thao túng các doanh nghiệp nhà nước từ chủ trương cổ phần hoá.

Gần đây, lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước ở TPHCM đã chuyển nhượng lô đất công rộng gần 10.000m2 gây nhiều nghi vấn. Thay vì phải mang lô đất ra đấu giá theo quy định của Nhà nước đối với tài sản công, thì doanh nghiệp nhà nước này lại... chào giá cạnh tranh, đưa cho vài công ty tư nhân tham gia, trong đó có đơn vị không đủ năng lực tài chính.

Bản chất của việc này là cách hợp thức hoá cho việc chuyển nhượng trái phép đất công thành đất tư. Hậu quả nhà nước đã mất và doanh nghiệp tư nhân kia hưởng riêng chênh lệch địa tô hàng trăm tỉ đồng...

Hay trường hợp khác, doanh nghiệp nhà nước được giao trách nhiệm xây dựng khu dân cư rộng 200ha. Thế nhưng, trước tình cảnh doanh nghiệp nhà nước không đủ vốn giải phóng mặt bằng, một đối tác tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng đã hùn vốn cùng doanh nghiệp nhà nước giải phóng mắt bằng. Dần dà, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi dự án, đề nghị chính quyền giao luôn doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư dự án khu dân cư.

Như vậy, từ một dự án 100% của doanh nghiệp nhà nước, sau đó, bằng nhiều thủ pháp “phù phép” lắt léo, dự án hoàn toàn thuộc về một nhóm đại gia tư nhân. Và gần như đến thời điểm sôi động nhất của thị trường bất động sản, dự án đã mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp tư nhân món lời cực khủng... hàng nghìn tỉ đồng.

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế của Đại học Kinh tế TPHCM - nói: “Trước đây, với phương thức hợp tác kinh doanh, suýt nữa một TCty Mía đường thất thoát hơn 7.000m2 đất mặt tiền đường vào tay một đại gia tư nhân. Rất may, báo chí lên tiếng kịp thời, đất vàng vẫn thuộc về nhà nước. Song, có không ít đất đai công sản bị thất thoát, do các nhóm lợi ích trong - ngoài doanh nghiệp nhà nước cấu kết, phù phép, hô biến thành của tư”.

Chưa bao giờ, đòi hỏi nhà nước phải có một chính sách quản lý chặt chẽ đất đai thuộc công sản, nhằm ngăn chặn các hành vi “phù phép”, không để công sản rơi vào tay các nhóm lợi ích, như bây giờ. Đây là lúc đòi hỏi các bộ, ngành, cơ quan luật pháp phải thực hiện ngay những rà soát, khắc phục rốt ráo những lỗ hổng, kẽ hở của luật pháp về quản lý công sản...

Những vụ việc bê bối liên quan đến nhà đất thuộc công sản chuyển hoá sang tư nhân ở TPHCM, Đà Nẵng... xảy ra gần đây, càng đặt đòi hỏi trên lên mức bức bách hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn