MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Cửa Đại (ảnh minh họa)

Chênh lệch 70%

NGUYỄN TRUNG HIẾU LDO | 04/08/2017 06:40
Cách đây một năm, tỉnh Quảng Nam đã đưa vào sử dụng cầu Cửa Đại, nối một vùng ven biển rộng lớn, hoang sơ các huyện phía Nam gồm Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ… với Di sản văn hóa thế giới Hội An.

Ngay lập tức, sau đó các tập đoàn kinh tế lớn đã nhanh chóng hiện diện, đăng ký dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng, du lịch trên khu vực này… Có dự án tổng mức đầu tư dự kiến đến 4 tỉ USD, quy mô gần một ngàn hecta đất. Tính đến thời điểm này, suốt một dọc bờ biển hơn trăm cây số từ chân sóng Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Đà Nẵng, đến sân bay Chu Lai (Quảng Nam), đã dày đặc, kín chỗ dự án du lịch, nghỉ dưỡng ven biển và hội tụ đầy đủ các “đại gia” trên thế giới trong ngành này. Trong đó số dự án xí chỗ, giành phần là không ít, với bằng chứng hàng chục cây số bờ biển Đà Nẵng, Quảng Nam hơn mươi năm qua vẫn còn trống hoang, với bức tường rào kéo dài bao kín.

Nhiều vấn đề phức tạp từ đây đã nảy sinh, trong đó, việc định giá đất theo quy định Nhà nước rẻ mạt, so với thực tế thị trường, đang là một mâu thuẫn khó hòa giải, đồng thời đã tạo ra khoảng trống lớn, để các tiêu cực dễ nảy sinh. Ví dụ mới đây, một doanh nghiệp du lịch đã trình phương án xây dựng khu nghỉ dưỡng, sinh thái trên vùng cồn bãi Cẩm Thanh, Hội An. Phương án quy hoạch, quy mô đầu tư… được thông qua chóng vánh. Tuy vậy UBND TP.Hội An đã thông báo đến doanh nghiệp “mức đóng góp vào ngân sách thành phố (không kể tiền thuê đất dự án hàng năm), khi đầu tư dự án nêu trên là 20.000.000VND (hai mươi tỉ đồng)”.

Theo lý lẽ của chính quyền Hội An thì đây là “Mức đóng góp doanh nghiệp dựa trên cơ sở giá trị chênh lệch giữa giá đất… tính theo giá thị trường trong điều kiện bình thường so với tiền thuê đất mà doanh nghiệp phải nộp trong toàn bộ thời gian thuê 50 năm”… Khoản chênh lệch này được chính quyền Hội An ước khoảng 70%. Chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng du lịch nói trên đề nghị được đóng góp vào ngân sách TP.Hội An 5 tỉ đồng (thay vì 20 tỉ) nhưng địa phương không chấp nhận.

Không bàn đến đúng hay sai trong việc vận động ủng hộ (thực chất là ép buộc) doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách địa phương, ngoài tiền thuê đất, thuế má đã nộp vào ngân sách Nhà nước. Thế nhưng qua đó cho thấy chênh lệch giá đất Nhà nước quy định, với thực tế thị trường hiện nay đối với các dự án thuê đất là quá lớn. Đó cũng chính là lý do mà hàng vạn hecta đất ven biển hai địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam được xí phần, bỏ trống để chờ mua đi, bán lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn