MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cho vay ngang hàng - Ai quản?

DẠ THẢO LDO | 26/09/2018 06:45

Như những con sóng ngầm, dịch vụ cho vay trực tuyến không qua ngân hàng hay còn gọi là cho vay ngang hàng (P2P) đang bùng phát tại Việt Nam, khi mà một số đơn vị cho vay đã biến tướng thành cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”. Rất nhiều người đã tham gia, kéo theo những hệ lụy tiêu cực.

Ưu điểm của P2P là chủ yếu cho vay tiêu dùng tín chấp, xét duyệt hồ sơ online nhanh chóng và người vay có thể nhận được tiền trong ngày. Tuy nhiên, mức lãi suất của hoạt động P2P hiện nay đang thiếu kiểm soát. Những món tiền cho vay thường từ vài triệu đồng tới vài chục triệu đồng thôi nhưng lãi suất thì mỗi nơi một kiểu, song chung quy là cao hơn so với ngân hàng nhiều lần. Đơn cử, có website cho vay P2P một món 2,5 triệu đồng trong 30 ngày người vay phải trả 3,48 triệu đồng, tức mức lãi suất cho vay lên đến 39,2%/tháng. Một website khác cho vay một món tiền 4,5 triệu đồng trong ba tháng, mỗi tháng phải trả 2.137.600 đồng, tức tổng lãi suất phải trả cho kỳ vay ba tháng lên đến 42,5% số tiền vay…

Hoạt động P2P tại Việt Nam hiện nay nở rộ với đặc điểm không chỉ lãi suất cao đã len lỏi vào các khu dân cư nhiều người lao động và phục vụ tận nơi, mà thậm chí còn có website đứng ra huy động vốn cho các doanh nghiệp vay lại với sự phân chia đối tượng là phía “cần được đầu tư” và phía “đầu tư”. Phía “cần được đầu tư” có thể huy động vốn tối đa 1 tỉ đồng trong khi phía “đầu tư” có thể góp vốn từ mức 20 triệu đồng trở lên và được hứa hẹn mức lợi tức từ 15-22%/năm. Tuy nhiên, P2P chưa có hành lang pháp lý để hoạt động tại Việt Nam, vì thế nếu xảy ra tranh chấp sẽ trở nên phức tạp trong vấn đề xử lý, giải quyết, và không loại trừ khả năng phía cho vay sử dụng các đối tượng đòi nợ thuê, xã hội đen. Mặt khác, nguồn tiền đưa vào cho vay P2P cũng rất đa dạng và hoàn toàn chưa kiểm soát được, vì thế cũng không loại trừ manh nha hoạt động rửa tiền.

Cho vay P2P phát triển mạnh ở thị trường Trung Quốc từ năm 2011 với giá trị giao dịch lên tới hơn 260 tỉ USD. Nhưng sau đó, Chính phủ nước này đã phải siết lại hoạt động P2P vì bùng phát phức tạp thiếu kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy không chỉ đối với thị trường tín dụng và tiền tệ mà còn dẫn đến những hệ lụy về mặt xã hội. Một số website cho vay P2P tại Việt Nam hiện nay thay vì quy định về lãi suất thì lại dùng chiêu thức thu phí quản lý cao ngất ngưởng để né quy định của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn