MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyển mạng - Đổi vận…

THẨM HỒNG THỤY LDO | 29/09/2017 07:00

Đây là “vận” của nhà mạng. Nếu nhà mạng phục vụ không tốt, chất lượng dịch vụ không đáp ứng, thường xuyên để xảy ra sự cố và khủng hoảng truyền thông, thì chính sách “chuyển mạng - giữ số” (Mobile Number Portability-MNP) chính là “cây gậy” để “đánh đòn” nhà mạng, trong khi nó lại trở thành một thứ quyền tối thượng - từ chối dịch vụ, của người tiêu dùng.

Theo nghiên cứu tại nhiều thị trường đã triển khai MNP trên thế giới, về mặt tâm lý, thì đại đa số người tiêu dùng không muốn thay đổi nhà mạng chỉ đến khi họ không thể chấp nhận được nữa. Tỉ lệ thuê bao này được cho rằng, tối đa chiếm khoảng 10% tổng thuê bao di động trên thị trường. Tuy nhiên, MNP trở thành kênh “giải thoát” cho những thuê bao mà trong một thời gian dài họ đã phải “chung thủy bất đắc dĩ” với nhà mạng nào đó chỉ vì ngại khi thay đổi số điện thoại sẽ bị mất đi nhiều mối liên lạc trong làm ăn cũng như công việc.

Nếu chiếu theo tỉ lệ 10% trên tổng số khoảng 130 triệu thuê bao hiện hành tại Việt Nam, con số thuê bao di động có thể “di cư” qua lại giữa các nhà mạng với nhau là khoảng 13 triệu thuê bao. Đây là một con số đáng kể, đủ sức để răn đe hay trừng phạt đối với bất cứ một nhà mạng nào đó, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường thông tin di động với các dịch vụ cơ bản như thoại, tin nhắn SMS đã bão hòa và lượng thuê bao mới phát triển được ngày càng khó khăn hơn.

Như vậy, cho dù MNP là “cây gậy”, nhưng nó cũng tạo lợi thế cho những nhà mạng biết vượt lên cung cấp dịch vụ chất lượng hơn và cung cách phục vụ tốt hơn. Cũng có nghĩa là, chính sách chuyển mạng - giữ số cũng sẽ giúp những nhà mạng vượt trội đổi vận theo hướng tích cực so với trước đó, và ngược lại các nhà mạng để xảy ra những lỗi nghiêm trọng cũng sẽ đổi vận theo hướng bị trừng phạt.

Khi chưa thực thi chính sách MNP, mỗi thuê bao là một “thượng đế” của một nhà mạng nào đó và đôi khi “thượng đế” không có nhiều lựa chọn. Khi thực thi MNP, mỗi một thuê bao lại có thể đóng vai “thượng đế” ở nhiều nhà mạng khác nhau, vì thế tiếng nói của họ, quyền sử dụng dịch vụ của họ cũng được đề cao hơn và theo đó tính bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng mạnh mẽ hơn. Nhìn chung, đây là một quyết sách không chỉ có lợi cho người tiêu dùng mà còn có lợi cho bất cứ nhà mạng nào kinh doanh sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, ổn định, luôn lấy khách hàng làm trung tâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn