MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần thay đổi tư duy về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản. Ảnh minh hoạ, nguồn: Báo TNMT.

Đặc thù, nhưng thiếu đặc biệt

NHUẦN HÙNG LDO | 05/02/2018 06:30
Tài nguyên khoáng sản là tài sản đặc thù của quốc gia, mà sau khi khai thác, ít có khả năng tái tạo. Tuy nhiên, cơ chế quản lý loại tài sản này, hiện nay lại không theo cơ chế đặc biệt. Do vậy đây là điểm sơ hở để tham nhũng, tiêu cực đã và đang hoành hành.

Ví dụ để so sánh như gỗ, lâm sản thì có lực lượng chuyên ngành kiểm lâm kiểm tra, bài cây, nghiệm thu, đóng búa trước khi tiêu thụ, trong khi đó tài nguyên khoáng sản như cát, đá, quặng mỏ... thì không rõ đơn vị chức năng nào quản lý và vận hành theo quy trình, phương pháp nào từ khâu khai thác đến tiêu thụ…

Trong đó có lý do phân cấp quản lý không rõ, dẫn đến hiện tượng khi xảy ra vi phạm thì không xử lý được ai. Cơ quan cấp xã, huyện quản lý địa bàn hành chính, hầu như “buông tay” vì kiểm tra, quản lý, cấp phép… là do cơ quan chức năng cấp tỉnh, hoặc hơn. Nhưng cấp này lại hiếm có điều kiện xuống cơ sở để kiểm tra, nghiệm thu sản lượng sản xuất.

Có địa phương, khi đoàn Đại biểu Quốc hội cùng các ban, ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát một cơ sở sản xuất kinh doanh khoáng sản, thì địa phương không nắm được sản lượng khai thác và tiêu thụ. Thậm chí, khi có đoàn kiểm toán nghe địa phương báo cáo dối là doanh nghiệp không còn khai thác, nhưng thực tế họ vẫn hoạt động thường. Vậy ai quản lý và chịu trách nhiệm, nếu không muốn nói hình thành “lợi ích nhóm” trong việc này đang “bao bọc” nguồn lợi này? Có nhiều trường hợp, khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người, thì địa phương đó mới biết trên địa bàn có hoạt động khai thác khoáng sản… Gần đây Chính phủ quản lý chặt việc khai thác khoáng sản để bảo vệ tài nguyên và thiên nhiên thì nhiều địa phương mới bắt đầu nhận ra sự thất thoát tài nguyên quá lớn, từ đó bên cạnh từ “cát, đá, quặng... tặc”, còn thấy cụm từ “bảo kê”.

Nói chung việc quản lý tài nguyên khoáng sản tại các địa phương hiện vẫn đang ở tình trạng “Cha chung không ai khóc”, đặc biệt tình trạng khai thác vô tội vạ cát, sỏi trên các dòng sông, đang gây sạt lở, đổi dòng… ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân. Để tránh phải nhận một trách nhiệm nghiêm khắc trước Chính phủ, trước thế hệ tương lai, từ lúc này Bộ Tài nguyên Môi trường cần phân cấp quản lý; quy định cụ thể trách nhiệm kiểm tra; thẩm quyền cho phép… nhằm hạn chế, dẫn đến chấm dứt tình trạng tài nguyên đất nước đang “chảy máu” ồ ạt vào túi... “nhóm lợi ích”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn