MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng người dân phải qua lại các đảo lấy nước không hiếm. Ảnh: Báo Quãng Ngãi.

Đảo tiền tiêu thiếu... nước sinh hoạt

DANH NGUYỄN LDO | 16/05/2018 06:42
Cách đây vài năm, huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi) lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, đặc biệt ở đảo Bé (xã An Bình).

Cty Dosnavina đã tài trợ cho An Bình hệ thống lọc nước ngọt trị giá 1 triệu USD để cung cấp 200m3 nước sinh hoạt mỗi ngày cho hơn 100 hộ dân tại xã đảo này. Tuy nhiên gần đây, một trong hai tổ máy lọc bị hư hỏng. Mỗi ngày nhà máy chỉ lọc được 15 mét khối nước, khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trầm trọng.

Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân đã lên nhà máy xếp hàng chờ lấy nước về dùng. Bà Nguyễn Thị Phúc, ở đảo Bé, xã An Bình, cho biết, hằng ngày bà phải “chắt chiu” được khoảng vài, ba lít nước sử dụng cho ăn uống. Còn giặt giũ, tắm rửa chật vật vô cùng.

Tình trạng thiếu nước không chỉ làm đảo lộn cuộc sống người dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ du lịch tại địa phương. Nhiều hộ dân phải mua nước ngọt từ đảo Lớn về dùng; đặc biệt với các khu vực kinh doanh lưu trú, ăn uống... lại càng khốn đốn, khi mua nước với giá cao ngất ngưỡng là 200 nghìn đồng/mét khối, mức giá này cao gấp 20 lần so với giá nước tại nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt.

Theo chính quyền xã An Bình (Lý Sơn, Quảng Ngãi), tình trạng hư hỏng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt đã được kiểm tra và đưa ra phương án khắc phục, sửa chữa, tuy nhiên vì thiết bị phải nhập ngoại nên thời gian khắc phục sửa chữa kéo dài. Do đó cuộc sống người dân đảo Bé sẽ còn đảo lộn trong thời gian tới.

Trước tình hình cấp thiết, nhân viên kỹ thuật Cty Dosnavina hỗ trợ đã khắc phục được 1 trong 2 máy, hoạt động cầm chừng, cung cấp lượng nước khả dĩ, tạm thời cho bà con. Hiện mới bước vào đầu mùa nắng, nước sinh hoạt tại xã An Bình đã thiếu trầm trọng. Trong vài tháng tới càng trở nên cấp thiết hơn.

Dự báo bước vào tháng 6, mỗi ngày huyện đảo Lý Sơn sẽ đón cả nghìn du khách, trong khi Dosanvina dự kiến, thời gian sửa chữa, thay mới thiết bị có thể kéo dài từ 2 - 3 tháng. Với khả năng điều hành cấp huyện, chính quyền cũng chưa có giải pháp gì để hỗ trợ nước ngọt cho người dân khoảng thời gian này, trong khi mùa khô ở Lý Sơn đang bắt đầu bước vào thời điểm căng thẳng nhất.

Giải pháp duy nhất hiện nay, chính quyền xã An Bình đang khuyến cáo người dân tiết giảm hết cỡ nhu cầu và chỉ sử dụng nước trong những trường hợp... cần thiết nhất!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn