MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đối thoại, khó thế sao?

XUÂN NHÀN LDO | 20/07/2018 07:28
Chỉ trong 6 tháng, Bình Định đã chứng kiến 3 dự án phát triển kinh tế bị người dân phản đối, kéo theo những hệ lụy về an ninh - trật tự.

Không hoàn toàn ngẫu nhiên, cả 3 vụ “phản ứng tập thể”, đều diễn ra trên địa bàn huyện Phù Mỹ. Mới nhất, cuối tháng 6, đầu tháng 7, là câu chuyện 3 chiếc ôtô của đoàn khảo sát dự án điện mặt trời đầm Trà Ổ bị “tạm giữ”; người dân dựng lán trại giữa trời, đòi trực tiếp đối thoại với lãnh đạo huyện, tỉnh. Điều gì ẩn khuất phía sau phản ứng bồng bột từ một bộ phận dân chúng? Câu hỏi trên cần được nhận diện thấu đáo nhằm đảm bảo các vụ việc tương tự không còn nguy cơ tái diễn. Trước mắt, có thể khẳng định, góp phần gây nên làn sóng bất bình là sự thiếu vắng không gian đối thoại, sự cách bức giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương và đối tượng chịu tác động bởi dự án, tức cư dân sở tại.

Đầm Trà Ổ diện tích khoảng 1.200ha, là nguồn sinh kế cho hàng trăm hộ nông dân kết hợp hành nghề khai thác thủy sản. Tháng 6.2018, UBND tỉnh Bình Định có văn bản chấp thuận chủ trương cho Cty CP Năng lượng tái tạo Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời công suất 50MWp trên diện tích 60ha mặt nước và 0,6ha mặt đất. Theo kế hoạch, dự án có tổng vốn gần 1.500 tỉ đồng này sẽ hoàn thành vào cuối quý II/2019. Ông Trương Văn Quý, Bí thư Chi bộ thôn Châu Trúc, nói về “đám đông” đồng hương của mình đơn giản như sau: “Dự án đe dọa sinh kế của bà con. Họ chỉ yêu cầu được giải thích minh bạch, xử lý dứt điểm, không ai có hành vi đập phá, quá khích gì hết”. Rõ ràng như vậy nhưng xem ra, con đường “xuống” dân đã không mấy dễ dàng. Phải một tuần sau khi đoàn khảo sát bị vô hiệu hóa, một cuộc đối thoại chính thức giữa người dân với giới chức có thẩm quyền của Phù Mỹ mới được xác lập, để rồi trật tự mau chóng được vãn hồi.

Trước đó, chỉ theo dõi qua truyền thông, đã thấy dấu hiệu lúng túng trong cách thức tiếp cận, xử lý “khủng hoảng”. Đầu tiên là việc “cải chính” tin Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý đối thoại. Cũng có những phát ngôn xem đối thoại như là chỉ dấu nhượng bộ chỉ vì dự án chưa triển khai. Cái tâm lý ăn thua, kiểu quản trị áp đặt, một chiều dường như vẫn còn dư địa. Sự kiện đầm Trà Ổ có thể tham chiếu cho những trường hợp khác như Mỹ An Mỹ Thọ. “Xuống” dân, đối thoại với dân, đảm bảo quyền được biết cho dân sao phải gập ghềnh, khó khăn đến vậy?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn