MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vịnh Hạ Long là điểm ưa thích nhất của du khách Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Hùng

Du lịch và bộ quy tắc ứng xử

NGUYỄN TRUNG HIẾU LDO | 11/06/2018 07:30
Hiện du khách đến từ Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, với số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong tổng số 5,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, khách du lịch Trung Quốc là hơn 1,7 triệu, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2017, có 4 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng gần 50% so với năm 2016. Đi cùng với số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng là lợi ích kinh tế từ thị trường này tất nhiên cũng tăng tương ứng.

Tuy vậy, những hình ảnh, clip trên mạng xã hội gần đây miêu tả cảnh hỗn loạn của du khách Trung Quốc tại vài điểm du lịch trọng yếu như: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hội An, Đà Nẵng… làm dấy lên nỗi lo ngại về văn hóa ứng xử, giao tiếp từ du khách quốc tế, đang phá vỡ từng mảng nền văn hóa bản địa. Đặc biệt sau vụ việc một nhóm khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình bản đồ “đường lưỡi bò” tại sân bay Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cách đây vài tuần. Sự kiện này đặt vấn đề Việt Nam cấp thiết cần có bộ quy tắc ứng xử cho du khách và dân bản địa. Thậm chí có ý kiến, cần hạn chế du khách đến từ các nước từng có “vết đen” trong giao tiếp, ứng xử… vì những du khách này không những bêu xấu hình ảnh Việt Nam mà còn làm xáo trộn tình hình kinh tế, xã hội tại các địa phương…

Trong thực tế, tháng 3.2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Đây là những quy định chung mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, cách thức ứng xử văn minh với đối tượng áp dụng là người Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước; người nước ngoài đến Việt Nam; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch… Thế nhưng qua hơn một năm, tiếc thay chưa có nơi nào cụ thể hóa nội dung trên, phù hợp với đặc thù của địa phương mình, đặc biệt với những khu vực thị trường du khách Trung Quốc tập trung lớn.

Các nước láng giềng như: Singapore, Thái Lan, Myanmar… đã ban hành nhiều chính sách ứng phó; thậm chí Campuchia thành lập China Ready Centre (Trung tâm sẵn sàng phục vụ khách Trung Quốc) để phục vụ cho sở thích, thị hiếu, nhu cầu riêng của khách Trung Quốc. Cấp thiết như vậy, vì sao ngành du lịch các địa phương vẫn còn chậm rãi?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn