MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ, nguồn: Wikipedia.

Được mùa lại mất giá

XUÂN HẬU LDO | 06/02/2018 06:32
Từ tháng 8 âm lịch đến nay, giá dứa to từ 8 nghìn đồng/quả sụt giảm liên tục nay chỉ còn 3 nghìn đồng/quả, những quả nhỏ hơn giá không được 1 nghìn đồng/quả khiến nông dân trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam không mặn mà thu hoạch mặc dù dứa cho năng suất tốt.

Theo người dân, đây là đợt rớt giá thê thảm nhất trong vòng 10 năm trở lại. Gia đình bà Dương Thị Thu, ngụ thôn Đầu Gò là hộ có quy mô canh tác lớn với diện tích dứa chín trái vụ rộng hơn 3ha. “Quanh năm trồng cây chỉ mong đến ngày thu hoạch để đỡ tiền phân, tiền giống. Giá dứa rớt, nhà tôi không làm sao xoay sở được. Mỗi đợt vào phân là 15 triệu đồng, một vụ là 3 lần, rồi công chăm, công trồng khóm mới... Tổng chi phí cho một mùa vụ vào khoảng 65 triệu đồng. Số tiền này, nhà tôi vay của ngân hàng, mua chịu đại lý phân bón. Giờ tiền ăn còn không đủ, lấy đâu trả nợ. Nhiều hộ quanh đây còn bỏ dứa chưa thu hoạch” - bà Thu nghẹn ngào.

Nguyên nhân của tình trạng này, là thương lái không thu mua khiến giá dứa rớt như hiện nay. Với khoản nợ của mùa vụ vừa rồi, đại lý không ứng trước phân thuốc cho các hộ trồng dứa, nên đành bỏ hoang nhiều hécta khóm mới mà chưa vào chăm sóc cho mùa vụ sau. “Giá dứa đang rớt thê thảm. Tiền ngân hàng thì nợ cũ còn chưa trả. Nay dịch bệnh lại tiếp tục hoành hành cũng làm hàng chục hộ dân mới trồng dứa trong thôn bỏ dở việc chăm sóc. Phần lớn rẫy dứa trên những triền đồi bị bỏ hoang và ngày càng xơ xác” - bà Thu chia sẻ.

Ông Ngô Vinh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc - than rằng: “Toàn địa bàn có hơn hơn 100ha dứa được trồng. Do dứa sau thu hoạch đang rớt giá khiến người dân lâm vào cảnh khốn đốn, trong khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Như mấy năm trước, dứa sau thu hoạch trên địa bàn xã được thương lái thu mua với giá ổn định rồi vận chuyển ra phía Bắc tiêu thụ. Chính quyền địa phương đã tìm mọi cách liên lạc với nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh để giúp nông dân bao tiêu đầu ra cho dứa sau thu hoạch nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.

Không chỉ riêng Quảng Nam mà một số vùng ở Bắc Trung Bộ, nông dân hiện cũng lao đao vì trái dứa lao dốc thảm. Nguyên nhân cũng giống Quảng Nam là do xuất khẩu không được, thương lái không thu mua... Hiện tượng được mùa mất giá lặp đi lặp lại, khiến người nông dân lao đao năm này qua năm khác, đòi hỏi các ngành chức năng cần phải có một sự tính toán chủ động đầu vào lẫn đầu ra cho nông sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn