MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, quan tâm đến gia đình cũng là cách để nhân viên gắn bó với DN (Trong ảnh, buổi khám sức khỏe của DN dành cho NLĐ) - Ảnh: L.T

Gắn kết nhân viên

Lê An Nhiên LDO | 05/11/2017 06:51

Nhân viên gắn kết với công việc, gắn kết với đồng nghiệp, từ đó có sự gắn kết với doanh nghiệp (DN). Chính sự gắn kết đó góp phần tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, thúc đẩy sự phát triển của DN. Nếu anh luôn tự hào lương mình trả cho nhân viên cao, vị trí công việc tốt và đinh ninh rằng nhân viên sẽ trung thành, gắn bó với mình. Một ngày… xấu trời, nhân viên ấy gửi đơn thôi việc mà bạn không hiểu lý do, vậy thì đó chính là biểu hiện của không gắn kết nhân viên!

Để nhân viên tự hào về công việc của mình

Sẽ không thể gắn kết được nhân viên nếu DN để cho nhân viên có cảm giác rằng họ đang làm việc trong một khoảng trống, rời xa mọi người. DN cần giúp mọi người thấy được đóng góp cá nhân của họ như một phần trong bức tranh tổng thể. Khi nhân viên thấy được công việc của họ, mục tiêu của họ phù hợp với mục tiêu cao hơn, họ biết rằng đóng góp của họ là quan trọng cho sự phát triển của DN thì nhân viên sẽ thấy yêu thích công việc của mình hơn.

“Chúng tôi luôn đề cao tất cả công việc mà nhân viên của mình đang đảm nhận có một vai trò và ý nghĩa nhất định đối với sự phát triển của công ty, cho dù đó là công việc đơn giản nhất” – Bà Văn Thị Anh Thư - Phó tổng giám đốc nhân sự cấp cao Suntory Pepsico Việt Nam chia sẻ tại một hội nghị về nhân sự mới đây. Bà Thư ví dụ về công việc súc rửa các vỏ chai tại Cty bà: “Làm một công việc súc rửa chai lọ ngày này qua ngày khác, nhân viên có thể sẽ thấy công việc rất nhàm chán. Nếu nhàm chán, có thể nhân viên sẽ làm không tốt cho nên chúng tôi luôn có những chính sách động viên nhân viên của mình, nói rõ tầm quan trọng của công việc này. Bởi chỉ cần một cái vỏ chai không sạch sẽ, không đạt tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng của nước, uy tín của DN. Cho nên dù đó là công việc đơn giản nhất nhưng trong toàn bộ dây chuyền sản xuất, nó rất quan trọng”.

Bên cạnh đó, theo bà Anh Thư, để gắn kết nhân viên cần tranh thủ gặp gỡ nhân viên nhiều nhất có thể, chia sẻ với họ giá trị, định hướng của công ty và cả những thành tựu, những khó khăn, thất bại mà công ty đang gặp phải một cách thành thật, không che chắn. Chỉ có chia sẻ bằng cái tâm thì sự gắn kết mới thực sự bền vững.

Đồng quan điểm, bà Ellen Stewart - Giám đốc nhân sự toàn cầu về dinh dưỡng động vật Cargill, chia sẻ: “Điều quan trọng là chia sẻ với nhân viên, cho họ thấy được vai trò của họ quan trọng như thế nào đối với công ty. Chỉ cho họ thấy giá trị của doanh nghiệp đối với cộng đồng và họ là một phần làm nên giá trị đó”.

Để gắn kết nhân viên, một điều khá quan trọng mà các nhà làm công tác nhân sự cho rằng, DN chú trọng phát triển kỹ năng của từng cá nhân hoặc phát triển nhân viên, xây dựng đội ngũ lãnh đạo từ nhân viên.

Trong một nghiên cứu về hiện tượng “zombie (xác sống) công sở” do Anphabe công bố mới đây thì việc một người lãnh đạo âm thầm không phát triển nhân viên và không sẵn sàng chia sẻ thông tin để giúp người khác thành công chính là một dạng thức của “zombie”, điều này góp phần làm cho nhân viên không gắn kết.

Quan tâm chân thành đến nhân viên của mình

Một cách thức được nhiều nhà làm công tác nhân sự chia sẻ để gắn kết nhân viên đó là dùng tình cảm, quan tâm chân thành đến nhân viên của mình. Ông Lê Quí Đôn - Giám đốc nhân sự cấp cao Cty TNHH nhà máy bia Heineiken Việt Nam - cho rằng bên cạnh tạo ra gắn kết lý trí bằng những quy định về lương, thưởng, phúc lợi để nhân viên làm việc tương xứng với đồng lương họ nhận được, thì gắn kết trái tim, gắn kết cảm xúc sẽ tạo ra giá trị bền vững hơn.

Ông Lê Quí Đôn chia sẻ, KPI (hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả công việc) có thể đánh giá mức độ hoàn thành của nhân viên, nhưng họ chỉ thực sự có trách nhiệm khi xem công ty như một gia đình: “Nếu đi đến được trái tim của nhân viên, thì họ sẽ làm việc bằng cả trái tim, chứ không chỉ từ khối óc. Để chạm đến được trái tim người khác thì mọi hành động phải xuất phát từ trái tim của mình. Chúng tôi xác định, khi nhân viên bày tỏ nhu cầu, thì lắng nghe, cân nhắc đáp ứng yêu cầu dựa trên thực tế. Trong những hoạt động tập thể, gia đình của nhân viên được tham gia để tăng gắn kết”.

Theo ông Đôn, kết quả khảo sát năm 2016 của Cty ông làm việc cho thấy, chỉ số gắn kết người lao động tại Việt Nam đạt 87% (cao hơn mức 9% tiêu chuẩn của Tập đoàn và cao hơn chỉ số các công ty khác, 16%); chỉ số hiệu suất đạt 86%, trong khi Cty toàn cầu chỉ đạt 78%.

Theo bà Đặng Lê Trâm, Giám đốc nhân sự Vinataba – Philip Morris Việt Nam chi nhánh TPHCM, người lao động nào cũng có những giai đoạn cần ưu tiên việc riêng (như tang gia, sinh con, bệnh tật…) và DN cần có chương trình linh hoạt, có sự hỗ trợ rõ ràng nhằm có sự gắn kết tình cảm bền vững.

Có nhiều cách chia sẻ, quan tâm đến nhân viên của mình được các nhà làm công tác nhân sự chia sẻ như dành thời gian để trò chuyện với mọi người trực tiếp, qua điện thoại, qua thư điện tử, vào bữa trưa, hoặc khi ngồi đối mặt một với một...Hỏi những thách thức hiện tại đối với họ là gì và liệu bạn có thể làm gì để giúp họ. Một bức thư là một cách thảo luận chính thức hoặc không chính thức mà nhắc nhở một người rằng người đó đang trong tầm quan sát của bạn. Thậm chí, một sự trao đổi nhanh chóng ở thang máy cũng là một cơ hội để thể hiện sự thích thú và lắng nghe quan trọng hơn nhiều so với nói!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn