MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hỗ trợ chăn nuôi nông hộ

TÂM PHÚC LDO | 19/10/2018 06:19
Tỉnh Trà Vinh có đàn gia súc, gia cầm lớn, nhưng chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 80% tổng đàn với quy mô nhỏ lẻ, phân tán, sức cạnh tranh không cao.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, cuối năm 2016, Trà Vinh cũng ban hành quy định về lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách này tại Trà Vinh đã bộc lộ hạn chế, mà cụ thể là kinh phí đến tay đối tượng được hỗ trợ còn ít so với nhu cầu vốn hỗ trợ theo kế hoạch. Năm 2017, nhu cầu vốn thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ lên đến gần 50 tỉ đồng, song kinh phí đã chuyển đến các địa phương chỉ đạt hơn 17,8 tỉ đồng (kể cả kinh phí còn tồn năm 2016 chuyển sang) và đến nay vẫn còn tồn trên 10,3 tỉ đồng.

Còn năm 2018, đến ngày 24.9, kế hoạch mới được phê duyệt với tổng kinh phí dự kiến trên 26,6 tỉ đồng. Vì vậy, nếu việc triển khai thực hiện thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan cũng như với UBND cấp huyện, thì sẽ không dễ hoàn thành khi thời gian chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa hết năm 2018.

Thực tế cho thấy việc thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ còn đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, như: Tỉnh Trà Vinh chưa có cơ sở cung cấp con giống, phải phụ thuộc hoàn toàn các cơ sở ngoài tỉnh khiến chi phí đi lại, vận chuyển tăng gây bất lợi đối với nông hộ; theo quy định phải mua gà, vịt giống bố mẹ hậu bị từ 8 tuần tuổi trở lên, nhưng các cơ sở sản xuất giống chỉ bán con giống 1 ngày tuổi; đặc thù tinh heo (tinh tươi) thời gian bảo quản ngắn, các cơ sở cung cấp tinh heo ngại làm thủ tục thanh quyết toán nên không tham gia cung ứng; nhiều nông hộ đăng ký tham gia chính sách hỗ trợ, song khi thực hiện lại không có kinh phí đối ứng; một số chỉ tiêu không thể đẩy nhanh tiến độ như gieo tinh bò (phụ thuộc vào chu kỳ lên giống của bò cái), đào tạo dẫn tinh viên (phụ thuộc vào chương trình của nơi đào tạo, người học)...

Dù đã có chính sách hỗ trợ nông hộ, nhưng để đạt được hiệu quả đến từng hộ chăn nuôi cần phải có các giải pháp cụ thể hơn, có tính khả thi cao nhằm để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã lộ diện. Nếu không, điệp khúc “không đạt như kế hoạch đề ra” sẽ còn tiếp diễn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn