MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặc dù đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tuy nhiên đến nay, dự án khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của TP. Nha Trang vẫn chưa thể triển khai. Ảnh: VTV.

Khi tham mưu “có vấn đề”

NHIỆT BĂNG LDO | 15/10/2018 07:20
Tình trạng các cơ sở giết mổ gia cầm, gia súc nằm ngay trong khu dân cư TP.Nha Trang (Khánh Hòa) là nỗi bức xúc của nhiều người dân và cử tri. 

Bức xúc đó là chính đáng, bởi các điểm giết mổ này có khá nhiều cái “không”: Không có trong quy hoạch, không có thiết kế xây dựng để giết mổ, không được cấp giấy phép kinh doanh hành nghề giết mổ gia súc gia cầm...

Sau hơn 15 năm đề cập... trên giấy, dự án Khu giết mổ tập trung TP.Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt vào ngày 31.10.2017, triển khai xây dựng tại xã Phước Đồng. Quy mô giai đoạn 1 của dự án sẽ triển khai trên diện tích 3ha, với tổng mức đầu tư 103,2 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Thế nhưng, đến nay, dù đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nhưng dự án lại tiếp tục chờ gỡ vướng quy định.

Theo đó, ngày 30.8, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Khánh Hòa có báo cáo trong vòng bán kính 300m từ chân hàng rào dự án có 3 cụm dân dư đang sinh sống với khoảng 193 hộ dân và cách nghĩa trang khoảng 200m. Vị trí dự án như vậy là chưa phù hợp yêu cầu khoảng cách vệ sinh thú y theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung theo Thông tư 13 của Bộ NNPTNT (ban hành vào tháng 6.2017) và quy định về khoảng cách ly vệ sinh theo Quy chuẩn xây dựng về Quy hoạch xây dựng của Bộ Xây dựng.

Từ vướng mắc này, UBND tỉnh Khánh Hòa lại tiếp tục xem xét các vấn đề liên quan để giao các ngành rà soát, có giải pháp cụ thể đối với dự án. Lẽ ra, khi tham mưu hồ sơ, thủ tục dự án này, các cơ quan chức năng liên quan phải nắm chặt chẽ các quy định hiện hành, nhất là các quy định mang tính đặc thù về vệ sinh, môi trường... thì có lẽ những thiếu sót về “quy định khoảng cách” đã không xảy ra.

Nếu dự án nào mang tính cấp bách nhằm giải quyết vấn đề về môi trường cũng chờ “xử lý vướng mắc” như thế này thì biết bao giờ mới khắc phục, chặn đứng được tình trạng mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường? Khi việc xây dựng đề án, dự án về mặt thủ tục, hồ sơ phát sinh vướng mắc do cách làm thiếu bài bản hoặc yếu kém dẫn đến hệ lụy là “chậm tiến độ”, “rùa bò”... thì cũng cần truy nguyên nhân do đâu và ai phải chịu trách nhiệm để kịp thời chấn chỉnh, tăng cường nghiệp vụ chứ không thể cứ bắt dự án và người dân chịu trận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn