MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bình Định buông lỏng quản lý khiến tài nguyên, khoáng sản bị xâm hại và "đất tặc" tung hoành. Ảnh: Giao thông.

Không chỉ chờ sai rồi mới sửa

Xuân nhàn LDO | 25/11/2017 07:20
Từ đầu năm đến nay, hệ thống thanh tra các cấp tại tỉnh Bình Định tiến hành 73 cuộc thanh tra ở 124 đơn vị. Đến cuối tháng 9, trong 45 cuộc đã kết luận, có 38 đơn vị sai phạm với hơn 7,2 tỉ đồng và 756.000m2 đất.

Bên cạnh việc kiến nghị thu hồi tài sản, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý hành chính, cơ quan thanh tra đã chuyển hồ sơ sang công an 4 vụ có dấu hiệu phạm tội. 

Điều đáng lưu ý, phần lớn sai phạm diễn ra ở khu vực “bản lề”, ở vùng “giáp ranh”, nơi thường xuyên tiếp xúc với dân, là xã, huyện. Nó đập vào mắt, dội vào tai, đụng thẳng tới miếng cơm, manh áo người dân một nắng hai sương làm hao khuyết, suy giảm niềm tin đối với chính quyền cơ sở.

Ví dụ, sai phạm tại UBND xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) là 1 trong 4 “hồ sơ chuyển tiếp” tới cơ quan điều tra. Đơn vị này bị phát hiện chi vượt cho tư vấn, thi công 386 triệu đồng; cho thuê không đúng thẩm quyền 78.447m2 đất; buông lỏng quản lý khiến tài nguyên, khoáng sản bị xâm hại và tệ hơn, nhận tiền nhà nước hỗ trợ người sản xuất lúa nhưng không chi, bỏ ngoài sổ sách 388 triệu đồng.

Tại UBND xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh), kế toán xã chiếm dụng kinh phí hỗ trợ hạn hán 2 năm 2014, 2015 và tiền hỗ trợ hộ nghèo 2015. UBND xã Tây Xuân (Tây Sơn) “chưa chi tiền hỗ trợ cho dân trong chương trình bảo vệ và phát triển lúa nước theo quy định của Chính phủ”.

Có trường học ở Phù Cát dùng tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh mua máy tính, máy in. Trung tâm Phát triển quỹ đất Phù Mỹ thành “đích ngắm” 2 cuộc thanh tra, liền phơi bày các khoản chi sai gần 450 triệu đồng.

“Lát cắt” nhỏ bên trên ngoài việc ghi nhận hoạt động tích cực từ cơ quan thanh tra, kiểm tra, còn là chỉ dấu đáng buồn về sự tiếp diễn của một “cơ chế” ăn mòn. Những dự án, chương trình kinh tế - xã hội bị méo mó khi triển khai về cơ sở; một số chính sách xã hội phục vụ mục tiêu an dân của nhà nước, của Chính phủ bị tổn thương; tài nguyên khoáng sản bị thao túng, do quản lý yếu kém và do toan tính tư lợi. Những vụ việc kể trên đều liên quan tới nhiều cán bộ xã thôn, huyện.

Và trong số đó, nhiều vụ dù đã khép kín vòng thanh tra - kết luận - xử lý - truy tố nhưng cho đến thời điểm hiện tại, không vì vậy bộ máy “bản lề” tỏ ra hiệu lực hơn. Vấn đề nằm ở cơ chế kiểm soát, phòng trừ, chứ không chờ sai rồi mới sửa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn