MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Ngọc Hân

Không thể chỉ tin vào báo cáo

LÊ NHƯ GIANG LDO | 27/04/2018 06:30
Mới đây, trong báo cáo tổng kết Đề án Đẩy mạnh cải cách hành chính năm 2016 - 2017 của tỉnh, UBND tỉnh Cà Mau đã nêu rõ:

“Nhiều đơn vị báo cáo thiếu trung thực về kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp xã. Cụ thể, có đến 8/9 huyện, thành phố báo cáo cấp xã không có hồ sơ giải quyết trễ hạn (trừ huyện Thới Bình).

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại 27 đơn vị cấp xã (mỗi huyện, thành phố kiểm tra 3 đơn vị cấp xã trực thuộc), đơn vị nào cũng có hồ sơ giải quyết trễ hạn, nhất là ở lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội. Đồng thời, đa số các đơn vị chưa thực hiện việc ghi phiếu hẹn, mở sổ theo dõi khi tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân…”.

Việc thẳng thắn công khai khuyết điểm này của các địa phương trực thuộc là việc làm đáng hoan nghênh của UBND tỉnh Cà Mau. Không chỉ vậy, bên cạnh việc nêu ra những kết quả đạt được trong cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, UBND tỉnh này còn chỉ ra hàng loạt hạn chế, khó khăn và nguyên nhân:

Nhiều TTHC được công bố chậm so với quy định; tỉ lệ TTHC thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt khoảng 90% (mục tiêu của đề án là 100%); tỉ lệ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đạt chuẩn của các đơn vị cấp huyện, cấp xã trung bình đạt 71,95% (mục tiêu của đề án là 100%); một số đơn vị thực hiện đăng tải TTHC trên dịch vụ công trực tuyến chưa đảm bảo chất lượng, thiếu quy trình giải quyết, thiếu hoặc không có địa chỉ tiếp nhận hồ sơ...

Không phải ngẫu nhiên cải cách TTHC được chọn là nội dung trọng tâm của cải cách hành chính. Đây chính là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, đồng thời cũng là nội dung có nhiều bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là tiền đề để thực hiện các nội dung cải cách khác, như: Phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp của bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng thể chế…

Vì vậy, để việc cải cách TTHC đạt hiệu quả cao, trước tiên phải xây dựng bộ máy hành chính mạnh, quản lý tốt con người trong bộ máy này… Muốn vậy, rõ ràng không chỉ và không thể chỉ căn cứ vào con số từ những báo cáo kết quả, mà phải có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, qua đó chỉ ra được những hạn chế, khuyết điểm để có giải pháp khắc phục sát hợp tình hình như UBND tỉnh Cà Mau đã làm…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn