MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lách luật, trục lợi “đất vàng”

CAO HÙNG LDO | 19/06/2018 06:55
Tại điều 19 Nghị định số 187/2004/NĐ-CP do Chính phủ ban hành tháng 11.2004, cho phép doanh nghiệp (DN) cổ phần hoá (CPH) đang sử dụng đất được lựa chọn hình thức giao đất hoặc thuê đất. 

Nếu DN lựa chọn giao đất có nộp tiền sử dụng đất thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) vào giá trị DN. Nếu DN chọn hình thức thuê đất thì không tính giá trị QSDĐ vào giá trị DN CPH. Chính “khe hở” này của luật mà trên thực tế, có không ít DN CPH đã chọn hình thức thuê đất hơn là giao đất, đặc biệt những khu đất - nhất là “đất vàng”.

Ngày 26.6.2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2007/NĐ-CP, với quy định bổ sung: Nếu DN CPH chọn hình thức thuê đất, mà tiền thuê đất được trả một lần cho toàn bộ thời gian thuê đất, thì tính tiền thuê đất vào giá trị DN... Sự “chữa cháy” này, sau gần 3 năm ra đời của Nghị định 187, nhưng cũng đủ thời gian cho không ít DN CPH “loại” không ít giá trị “đất vàng” ra khỏi giá trị DN khi CPH. Và, sau đó, là những màn “phù phép” chuyển hoá đất công thành đất tư, bằng thủ thuật “vốn của Cty cổ phần” đầu tư dự án, nộp tiền sử dụng đất, chứ không phải tiền “có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước”... Rồi kế đó, là chuyển nhượng đất, bán dự án sang tay tư nhân mà không qua phương thức đấu giá công khai...

Đất công nhà nước giao cho DN trước khi CPH là tài sản của nhà nước. Một khi DN CPH, đất có được giao hay cho thuê, thì tài sản đó vẫn phải khẳng định là công sản. Bất kỳ sự chuyển nhượng, bán, mua nào đối với tài sản đất công đều phải qua đấu giá công khai theo đúng quy định của luật pháp. Luật pháp quy định là vậy, thế nhưng thực tế lâu nay, có không ít trường hợp đất công chuyển hoá sang tay tư nhân mà không hề đấu giá. Không phải ngẫu nhiên, hàng loạt tài sản đất đai, nhà cửa của nhà nước đã bị cơ quan luật pháp phát hiện chuyển hoá sang tay tư nhân với giá rẻ như bèo ở TPHCM, Đà Nẵng, Phú Yên... Từ năm 2004 đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 Nghị định bổ sung về quy định “giá trị QSDĐ” tại các DN CPH có vốn của nhà nước. Nhóm lợi ích, các cá nhân luôn vì quyền lợi riêng của mình để tìm những “kẽ hở” của luật để... lách luật nhằm trục lợi. Hơn bao giờ, các nhà làm luật, các bộ, ngành liên quan, các cơ quan luật pháp phải “trám” những “kẽ hở” luật, thì may ra mới chặn đứng những ý đồ “lách luật” để trục lợi trên “đất vàng”, đất công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn