MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Báo Hải quan.

Nghịch lý da giày

CAO HÙNG LDO | 07/02/2018 06:28
Không phủ nhận chuyện tăng lương tối thiểu cho công nhân (CN) là hết sức quan trọng. Đặc biệt, đối với những ngành sử dụng nhiều nhân công như da giày, dệt may, chế biến điều, thuỷ sản... thì việc tăng lương cho CN ảnh hưởng đến nhiều mặt sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).

Trong 5 năm (2012-2017), lương tối thiểu vùng đã tăng 90%, trung bình tăng 18%/năm. Với ngành da giày có khoảng 1.700 DN (trong đó có 70% là DN nhỏ và vừa), sử dụng 1,2 triệu lao động sản xuất trực tiếp. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội da giày VN: “Ngành da giày chủ yếu là gia công xuất khẩu, chi phí lao động chiếm trên 70% phí gia công mà đối tác nước ngoài trả theo số lượng sản phẩm. Thời gian qua, năng suất lao động tăng thấp (3-4%) và phí gia công sản phẩm lại có chiều hướng giảm hoặc không tăng, dẫn tới lợi nhuận DN da giày bị giảm. Trong khi đó, việc tăng lương tối thiểu vùng hằng năm, mặc dù CN có lợi, nhưng với DN thì lại là... mối lo. Nghịch lý của ngành da giày ở chỗ đó”.

Không phải ngẫu nhiên, trước áp lực tăng lương tối thiểu vùng, có không ít DN da giày (nhất là các DN có vốn FDI) đã buộc phải đẩy nhanh quá trình tự động hoá sản xuất, tinh giảm bộ máy quản lý và giảm lao động. “Không thể trách DN được; bởi phải có lợi nhuận, mới có tiền trả lương, mở rộng sản xuất... Một khi lương tối thiểu vùng không ngừng tăng, lợi nhuận DN phải giảm. Muốn DN tiếp tục tồn tại, dù lương CN có tăng, thì DN buộc phải giảm chi phí, giảm các khoản chế độ và phúc lợi ... Xu thế tự động hoá sản xuất, giảm tối đa thao tác của con người, mà thay vào đó là sử dụng máy móc - hiện đang được các DN da giày và dệt may áp dụng trong thời gian gần đây. Vì vậy, hiện tượng giảm số lượng CN, gia tăng thiết bị máy móc tự động thay thế con người đang được các DN đặc biệt chú ý” - ông Diệp Thành Kiệt - Phó Giám đốc Cty CP Đầu tư Thái Bình nói.

Có ý kiến cho rằng, thay vì tăng lương tối thiểu vùng hằng năm, thì nhà nước nên quy định mức sống tối thiểu vùng, từ 2-3 năm mới tăng lương một lần cho CN. Và, mức tăng lương ấy phải dựa trên các chỉ số tương quan về GDP, CPI, năng suất lao động... Bằng không, lương bắt buộc phải tăng, trong khi quỹ lương không tăng, lợi nhuận của DN sút giảm; chắc chắn, DN khó phát triển, CN không còn việc để làm... Một khi CN không có việc làm, thì cơ hội đâu để mà tăng lương? Thật là trớ trêu... nghịch lý da giày!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn