MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng nghìn ngôi nhà tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam ngập sâu trong nước từ hơn 1 mét. Ảnh: LP

Nỗi đau còn đó, lơ là còn nguyên

NHẬT HỒ - N.T.H LDO | 07/11/2017 12:09
Liên tiếp nhiều ngày qua, lũ quét ở phía Bắc, áp thấp từ Cà Mau, Miền Nam, đến bão số 12, lũ lịch sử ở các tỉnh Miền Trung... đã gây hại với số người chết, mất tích, mất mát tài sản tăng lên hằng ngày.

Đặc biệt ba tỉnh Nam Trung Bộ, nơi tâm bão 12 tràn qua, thiệt hại tài sản lên đến con số hàng ngàn tỉ đồng. Khánh Hòa, Phú Yên, đã xin Chính phủ khẩn cấp trợ giúp hàng ngàn tấn lương thực cứu đói, khắc phục...

Từ hơn 20 năm qua, thảm họa thiên tai gây hại khắp nơi đã trở nên phổ biến, nhưng tại sao sau mỗi trận bão lũ đi qua đều để lại thiệt hại to lớn cho người và tài sản? Nhận định chung là nhiều phần còn do người dân chủ quan lơ là. Ví dụ đầu tháng vừa rồi, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng thành bão hướng vào Cà Mau gần như trùng với hướng đi của cơn bão Linda thảm họa cách đây 20 năm. Ngay sau khi trời yên, bể lặng (vì áp thấp không vào), ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND, kiêm Phó Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTTTKCN) tỉnh Cà Mau - vội vã ký công văn “khẩn” gửi Bộ đội biên phòng và các địa phương trên địa bàn tỉnh, yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai.

Theo Ban Chỉ huy PCTTTKCN nhận định, việc vận động nhân dân chèn chống nhà cửa còn chậm, chưa đúng kỹ thuật; việc neo đậu tàu thuyền tại các điểm neo đậu, tránh, trú bão; các cửa sông, cửa biển tại các địa phương chưa đảm bảo trật tự, an toàn và khả năng điều động khi có tình huống xấu, hoặc kêu gọi tàu vào bờ gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT), cho rằng, tại một số vùng ven biển, một số hộ dân (ở Miền Nam) có chằng chống nhà cửa, nhưng mức độ rất đơn giản. Thậm chí, dù đã có dự báo ATNĐ đổ bộ vào, nhưng nhiều hộ dân vẫn không làm gì, mặc dù nhà cửa đặc thù ở khu vực này khả năng chống chịu gió bão rất kém...

Điều đó có nghĩa, xem ra cán bộ và người dân cả nước vẫn bàng quan trước các cảnh báo thảm họa và cũng không rút kinh nghiệm gì trong phòng, chống bão, lũ. Hậu quả thảm họa thiên nhiên hằng năm vẫn còn in hằn trong trí nhớ từng người ở các vùng miền, vậy biện pháp triệt để nào để cán bộ, người dân, đặc biệt là phía Nam, thói quen sống chung với thiên tai, đó mới là điều trong tương lai chính quyền phải lưu tâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn