MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật của người dân. Ảnh: Bạc Liêu Online

Nỗi lo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Nguyễn Đắc Thành LDO | 12/03/2018 14:59

"Khu vực nông thôn mà nghe tiếng ếch, nhái là rất ít. Con đỉa ngày xưa chị em đi cấy là nỗi sợ hãi, thì hiện nay hầu như cũng không còn"- đó là tâm tư của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn  Xuân Cường.

Tại hội nghị “Phát triển phân bón hữu cơ” vừa mới tổ chức cách đây vài hôm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn chỉ ra tình trạng mất cân đối rất lớn, lạm dụng quá mức sử dụng phân bón vô cơ. “Điều này dẫn đến hiệu quả kinh tế, chất lượng nông sản thấp. Hệ quả thứ 3 liên quan đến hệ sinh thái môi trường. Hệ sinh thái ngày càng suy kiệt, côn trùng, thủy sinh, động vật lưỡng hệ”- Bộ trưởng lo lắng.

Ở Quảng Ngãi, có một vùng nông thôn hiện giờ đã nói không với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc khai hoang trong sản xuất nông nghiệp. Sau nhiều năm trời, đất được “ủ” bằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ liều lượng cao thì đến nay người dân xã Tịnh Khê, tỉnh Quảng Ngãi đã từ bỏ lối canh tác độc hại đó.

Nhiều người dân chìa cho chúng tôi xem những bàn tay, bàn chân bị nứt nẻ do ảnh hưởng của thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ còn sót lại trong đất. Trước sự ảnh hưởng rất lớn đó, các hộ dân đã thay đổi tư duy làm nông nghiệp theo hướng sạch. Họ không phun thuốc diệt cỏ ở giai đoạn làm đất, và nếu có thì các chủ máy cày sẽ từ chối làm đất. Việc diệt chuột cũng được dùng bã sinh học trộn với lúa nấu chín để bẫy.

Vì không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng gạo của người dân ở đó được đánh giá cao. Nhiều người chỉ dẫn “muốn mua gạo sạch thì về vùng Tịnh Khê” - đó là hiệu quả cực kỳ tích cực cho việc từ bỏ lối sản xuất độc hại. Cái lợi thứ nhất mà người dân cảm nhận rõ là sức khỏe được bảo đảm, cái lợi thứ hai là sản phẩm làm ra được nhiều người đón nhận.

Bây giờ, ở mọi vùng nông thôn, cứ đến mùa gieo lúa, tỉa đậu là lại thấy hình ảnh những vùng đất bị “tẩm ướp” bằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Thậm chí, để có đất sạch cỏ thì nhiều người không ngần ngại sử dụng thuốc diệt cỏ liều lượng lớn. Chỉ một liều, thuốc được xịt sáng sớm thì đến gần trưa, cỏ hầu như đã cháy rụi, để lại những vệt vàng đặc trên đồng.

Hỏi một người dân ở vùng Tịnh Khê vì sao lại từ bỏ được một thói quen như vậy, người này đưa bàn chân không còn nguyên móng cho tôi xem và bảo: “Đây là hệ quả của việc thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ bị lạm dụng quá nhiều”.

Những vùng quê không còn nghe tiếng ếch, không còn đỉa như câu nói của Bộ trưởng là hoàn toàn đúng. Một hiểm họa về môi trường, về sức khỏe đã thấy rõ trước mắt thế nhưng làm sao để thay đổi tư duy làm nông nghiệp sạch cho người dân?

Nỗi lo của Bộ trưởng cũng chính là nỗi lo của hàng triệu người tiêu dùng. Nhưng làm gì để tìm lời giải cho bài toán này, chẳng lẽ mãi là câu hỏi khó vậy sao?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn