MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Phanh” hỏa tốc... bị lờn

THẨM HỒNG THỤY LDO | 02/07/2017 21:45
Các tường thuật về cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp taxi truyền thống với Grab, Uber tại Bộ GTVT ngày 28.6 cho rằng đã trở thành cuộc tranh cãi nảy lửa của hai phía lợi ích. Bộ GTVT đứng ở giữa, đang phải xem xét thế nào để hài hòa các bên và lợi ích người tiêu dùng. 
Tiếp nhận cái mới của loại hình taxi công nghệ với tư duy quản lý thông thoáng, nhưng phải tạo được một thị trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng, đây là bài toán không hề đơn giản. Nhưng càng không đơn giản hơn, là bộ quản lý ngành, phải vượt qua được sự tác động của các nhóm lợi ích.

Nhưng trong khi Bộ GTVT còn đang loay hoay với thách thức lớn này, thì một thách thức nhỏ đã nảy sinh. Trong cuộc đối thoại trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã phải nặng lời với Grab: “Về Grabshare, tôi đã phải ký văn bản hỏa tốc mà vẫn khai trương tưng bừng là vi phạm pháp luật. Tôi làm việc với đại diện Uber, Grab, người nước ngoài rất coi trọng pháp luật Việt Nam, nhưng các anh là người Việt Nam mà không tôn trọng luật Việt Nam, sẽ phải xử lý nghiêm”. Vậy là, Bộ GTVT đã “phanh hỏa tốc” dịch vụ đi xe chung Grabshare của Grab và UberPOOL của Uber, nhưng hiện vẫn đang “trên từng cây số” trên thị trường.

Phía bộ viện dẫn căn cứ rằng dịch vụ Grabshare và UberPOOL không phù hợp với Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT (về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ) vốn quy định hợp đồng vận chuyển hành khách giữa đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải với tổ chức, cá nhân thuê cả chuyến xe chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển. Trong khi đó, bà Nguyễn Thu An - Giám đốc truyền thông của Grab Việt Nam - được dẫn lời trên báo vẫn khẳng định: “Dịch vụ (Grabshare) phù hợp với đề án thí điểm”.

Khoan hãy bàn đến vấn đề dịch vụ đi xe chung Grabshare hay UberPOOL có phù hợp với các quy định hiện hành hay không, mà chỉ đề cập đến tinh thần chấp pháp: Văn bản hỏa tốc, như lời Thứ trưởng Trường, thực sự đã không có giá trị gì với Grab, Uber? Hay văn bản “phanh hỏa tốc” ấy đã bị “lờn thuốc”?

Xã hội phát triển thì cũng sẽ có nhiều dịch vụ mới ra đời. Nhiều quốc gia đã chấp nhận dịch vụ đi xe chung như dạng Grabshare hay UberPOOL. Nhưng trong trường hợp như ở Việt Nam, nếu hành lang pháp lý chưa hoàn toàn phù hợp thì cơ quan quản lý có thể đề xuất chỉnh sửa, bổ sung. Và trong khoảng thời gian chờ đó, việc tạm dừng không đồng nghĩa với việc cấm (theo tôi không nên cấm). Song, một khi lệnh tạm dừng không được chấp hành, thì thẩm quyền, chức năng quản lý ngành của Bộ GTVT đúng là bị “lờn thuốc” thực sự rồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn