MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đang được thi công. Ảnh: NLĐ

Quản lý đất đai và sai sót… lịch sử

NHIỆT BĂNG LDO | 04/07/2017 06:38
Ở các địa phương, việc người dân khai hoang, vỡ hóa phát triển kinh tế vườn, rừng là nhu cầu chính đáng. Mảnh đất họ cắm dùi làm ăn đến nay đã được 5 năm, 10 năm hoặc hơn thế nữa. Nhưng đối với chính quyền cấp xã, công tác quản lý đất đai dạng này lại bị buông lỏng.

Không có dự án thì dân cứ việc làm, có dự án triển khai thì kiểu gì cũng xảy ra kiện tụng kéo dài giữa họ và chính quyền về bồi thường, hỗ trợ. Dự án hệ thống kênh chính Đập dâng Tân Mỹ đi qua 3 xã, thị trấn Tân Sơn, Mỹ Sơn, Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) là một điển hình.

Khi dự án bắt đầu tiến hành thu hồi đất, nhiều hộ dân và chính quyền địa phương như “đi trên 2 đường ray tàu hỏa”, không thể gặp nhau. Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận về thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án này vào ngày 28.2 nêu: “Toàn bộ dự án ban đầu xác định có 45 trường hợp không được bồi thường về đất, trong đó có 23 trường hợp có đơn khiếu nại Quyết định bồi thường hỗ trợ của UBND huyện Ninh Sơn, không đồng kết quả xác định nguồn gốc sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất”.

Theo báo cáo này, 15 trường hợp xác định sử dụng do lấn, chiếm đất rừng với diện tích thu hồi là hơn 108 nghìn m2; 6 trường hợp ban đầu xác định do lấn chiếm đất rừng do xã quản lý để sử dụng với diện tích hơn 95 nghìn m2, nhưng sau khi kiểm tra thì đất của 6 hộ này lại nằm ngoài quy hoạch đất rừng (3 loại rừng); 2 trường hợp đất thu hồi có một phần nằm ngoài quy hoạch đất rừng và một phần nằm trong quy hoạch đất rừng.

UBND tỉnh Ninh Thuận thừa nhận: “23 trường hợp nêu trên chưa bị cơ quan nào lập biên bản xử lý vi phạm hành chính hoặc ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về bảo vệ phát triển rừng”.

Dân đặt câu hỏi tại sao suốt một thời gian dài làm ăn, không thấy chính quyền có ý kiến hay lập biên bản lấn chiếm đất trái phép, mà đến khi dự án rục rịch, mới “ba chân bốn cẳng” rà soát nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất... Người dân có thể do không am hiểu pháp luật đất đai nhưng ở góc độ quản lý Nhà nước, chính quyền không thể vô can trách nhiệm trước một sai sót mang tính lịch sử, tồn tại hết kỳ lãnh đạo này đến lãnh đạo khác. Khiếu nại của người dân đối với các trường hợp này là khó giải quyết, thậm chí chính quyền phải “thương lượng” hỗ trợ bồi thường về đất để đảm bảo tiến độ dự án. Và “giải quyết” thực trạng này cũng tương đồng như “hai đường ray xe lửa”: Người dân cần là một lời xin lỗi từ chính quyền và những đơn vị, cá nhân buông lỏng quản lý đất đai phải bị xử lý, kiểm điểm trách nhiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn