MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ràng buộc chặt hơn

TRIỆU HÙNG LDO | 06/12/2018 08:06

UBND TP.Hồ Chí Minh vừa có cuộc làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện Nghị định 143/2018/NĐ-CP ngày 15.10.2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH (2014) và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo đó từ ngày 1.12.2018, người lao động nước ngoài khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ một năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, đều thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trừ trường hợp người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, hoặc đủ tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến doanh nghiệp băn khoăn rằng, đối với số lao động nước ngoài, tuy có giấy phép lao động, nhưng lại không có HĐLĐ; không nhận tiền lương ở công ty tại Việt Nam mà nhận ở công ty mẹ, thì đối tượng lao động này có thuộc diện bắt buộc phải đóng BHXH hay không? Theo lý giải của các doanh nghiệp, phần lớn những người lao động này đến Việt Nam làm việc bằng thư bổ nhiệm của tập đoàn mẹ và lãnh đạo tập đoàn mẹ cũng đưa ra một mức đề xuất phụ cấp cho người lao động này mà phía doanh nghiệp tại Việt Nam phải chi trả. Và không loại trừ, để tránh trích nộp các khoản BHXH, BHYT, chính sách này cũng sẽ được các công ty, tập đoàn nước ngoài điều chỉnh cho phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM cho biết, với các trường hợp đặc thù nêu trên, địa phương chưa thể có câu trả lời ngay, vì áp vào trường hợp nào cũng bị vướng. Bà Thu phân tích: “Những người lao động này nhận trợ cấp lương của doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng lại không ký hợp đồng thỏa thuận lao động, mà theo quy định, không có HĐLĐ thì không trong diện bắt buộc đóng BHXH. Trong khi đó, một khi doanh nghiệp phải trả bất kỳ một khoản lương nào cho người lao động thì doanh nghiệp phải có HĐLĐ với người lao động đó”.

Bộ LĐTBXH cho biết, hiện VN có hơn 83.000 lao động nước ngoài (93% được cấp phép) và con số này tiếp tục tăng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Do vậy, việc tiếp tục điều chỉnh NĐ 143 là điều cần thiết, phù hợp với thực trạng hoạt động của các tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài tại Việt Nam hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn