MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh ghi tại “tâm lũ" Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) ngày 5.11. Ảnh: Báo TN&MT.

Tác dụng ngược

THÙY TRANG LDO | 01/12/2017 06:30
Từ mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ, thì nay bản thân công trình thoát lũ thi công dở dang đang khiến cả vùng Hoà Liên, huyện Hoà Vang, TP.Đà Nẵng lại trở thành cái túi chứa nước mưa.

Nếu trước đây nước lên thấp, rút nhanh thì những năm gần đây, kênh thoát lũ và nhiều dự án xung quanh khác đã nâng công trình cao hơn so với nền nhà dân đến 2m. “Cả thôn Quan Nam thành cái lòng chảo, hứng nước. Có gia đình có người mất ngay mưa bão, chúng tôi phải liên hệ xã điều ghe xuống để đưa đi an táng. Đó là chưa kể sự an toàn của những người dân đang ở trong những ngôi nhà bị sụt lún, không được nâng cấp do có dự án nhưng đợi giải toả thì chưa biết đến bao giờ!” - ông Nguyễn Nhơn - Trưởng Ban Mặt trận thôn Quan Nam 2, xã Hòa Liên kể khổ.

Kênh Hoà Liên là dự án nhằm đảm bảo thoát lũ của hồ Hòa Trung và một phần lưu vực của đường ĐT 602. Dự án bắt đầu thi công từ tháng 3.2015, yêu cầu đến tháng 6.2017 phải hoàn thành. Thế nhưng, do đang vướng khâu giải tỏa mặt bằng, mà nguyên nhân chính là thành phố thiếu quỹ đất để bố trí tái định cư, khiến tiến độ hoàn thành dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, nếu không thực hiện giải phóng mặt bằng kịp thời thì mùa lũ này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống của người dân và việc lưu thông tại khu vực này cũng tiềm ẩn mối nguy cơ.

Giải đáp thắc mắc của người dân trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng - hứa, giữa tháng 11 này sẽ tiếp tục thực hiện công trình. Còn ông Nguyễn Nho Trung, Phó chủ tịch HĐND yêu cầu: “Từ nay đến hết kỳ họp, các đơn vị liên quan phải rà soát lại toàn bộ dự án, không nói trước, hứa tới lui vì thực tế đã trễ quá nhiều”.

Lãnh đạo thành phố thì phát biểu vậy, riêng người dân vẫn băn khoăn: “Nói là nói vậy, còn câu trả lời dứt khoát bao giờ xong thì vẫn chưa thấy đâu!”. Trong lúc chờ đợi, chính quyền cơ sở vẫn đang phải tính toán đến việc di tản người dân trong thôn đi nơi khác, khi có mưa lớn. “Điều nghịch lý là từ nơi ngập lụt, qua nơi cao ráo chỉ cách 200m mà như thành thị với nông thôn, bởi bên kia là khu tái định cư khang trang. Nguyện vọng của tất cả bà con là sớm được giải toả đền bù, tái định cư để yên ổn cuộc sống chứ không thể thấp thỏm mãi như hiện nay” - ông Nhơn, Trưởng thôn, đại diện cho bà con một lần nữa kiến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn