MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du lịch Việt Nam hứa hẹn sẽ có sự tăng trưởng du khách vượt bậc trong năm 2018. Ảnh nguồn (vietnam-travel.org)

Tái cơ cấu ngành Du lịch Việt Nam: Cần xây dựng lộ trình và đồng bộ hóa

thanh hương LDO | 21/01/2018 08:13
Có bước tăng trưởng được cho là “kỷ lục” trong năm 2017 khi đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, đánh dấu lần đầu tiên vượt mốc đề ra về tăng trưởng lượt khách quốc tế (tăng 29,1% so với năm 2016). Tuy nhiên, để tái cơ cấu ngành du lịch có nhiều ý kiến cho rằng, nên tập trung tăng cường quản lý nhà nước về du lịch cũng như phát huy rõ nét vai trò kinh tế mũi nhọn của ngành công nghiệp không khói.

Hội nhập, quảng bá di sản văn hóa

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, du lịch Việt Nam có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng. “Sự phát triển này đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Tuấn vẫn thẳng thắn nhìn nhận, du lịch Việt Nam vẫn còn một số bất cập, yếu kém chưa cách nào giải quyết triệt để nhằm tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch không hấp dẫn và tạo sự khác biệt, khó có khả năng cạnh tranh cao. Nguồn nhân lực, sự phối hợp vừa thiếu vừa yếu. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế, trong đó, vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy. Đặc biệt, nguyên nhân chủ yếu được cho là các cấp, ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường. Thể chế, chính sách phát triển du lịch vẫn mang nặng tư tưởng bao cấp.

Bà Vũ Đặng Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn FLC cho rằng, việc xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, suy cho cùng chính là nâng cao vị thế của kinh tế du lịch trong tổng thể nền kinh tế. Để làm được điều đó, không thể đi bằng “một chân” của Nhà nước, mà phải cân bằng cả hai lực lượng là Nhà nước và doanh nghiệp bởi theo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng nhu cầu đầu tư vào du lịch sẽ là 1.931 nghìn tỉ đồng tương đương 94,2 tỉ USD (nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 8 - 10% và nguồn vốn từ khu vực tư nhân chiếm 90 - 92%).

Tái cơ cấu nâng cao vị thế du lịch

Nghị quyết 8 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hoàn thiện cơ cấu ngành du lịch, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân... Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch khẩn trương xây dựng đề án cơ cấu lại ngành Du lịch của địa phương”.

Mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có tính chuyên nghiệp, có thệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đạt chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Lượng khách du lịch quốc tế đạt 17 - 20 triệu lượt, khách nội địa 82 triệu lượt, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Ông Lương Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines khẳng định, nước ta có lợi thế về tài nguyên từ thiên nhiên cho đến văn hóa, nhưng nếu xét về mặt tổng thể thì tính cạnh tranh của Du lịch Việt Nam còn thua kém các nước trong khu vực khá xa. Một số tài nguyên và nguồn nhân lực du lịch bị kìm hãm, thậm chí vô hiệu hóa bởi nhiều “nút cổ chai” như mức độ cởi mở quốc tế; sự quan tâm, ưu tiên phát triển du lịch; môi trường sạch sẽ, an toàn; giao thông mặt đất; an toàn, an ninh đối với du khách...

Ở một góc nhìn khác, bà Vũ Đặng Hải Yến mong muốn nhận được sự ủng hộ, cái “bắt tay” chặt chẽ từ các doanh nghiệp địa phương. “Các doanh nghiệp này đóng một vai trò quan trọng giống như “đại sứ du lịch” cho cả tỉnh. Họ là đơn vị chủ động, trực tiếp lập kế hoạch, xây dựng và cung cấp sản phẩm du lịch chất lượng, có trách nhiệm đến người tiêu dùng” - cũng theo bà Yến - thì những nỗ lực này góp phần khẳng định thương hiệu và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến các thị trường trong, ngoài nước, cũng như gia tăng nhu cầu du lịch và kích cầu du lịch phát triển. “Doanh nghiệp cũng là lực lượng tham mưu, đồng hành và làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương về chiến lược phát triển sản phẩm du lịch. Đây cũng là đơn vị trực tiếp tuyển dụng nhân sự, lao động địa phương, tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội chung của địa phương”.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy, chương trình hành động và có thể chế, chính sách đột phá, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và công đồng trong việc xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường là một trong những thiết yếu và trọng tâm cần chú trọng nhằm góp phần phát triển tính bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của ngành du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn