MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn kiểm tra thực tế hàng hóa tại cảng Quy Nhơn. Ảnh: Báo Bình Định.

Thượng tầng sốt ruột...

XUÂN NHÀN LDO | 29/11/2017 06:30

Đối thoại doanh nghiệp do Cục Hải quan Bình Định tổ chức, nhiều ý kiến than phiền liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Không mới, nhưng đáng lưu ý trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy lộ trình xây dựng nền hành chính kiến tạo, hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp.

Đại diện Cty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam nêu vướng mắc từ yêu cầu kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với môtơ, máy phát điện mà ở Việt Nam, chỉ duy nhất một đơn vị tận Hà Nội có khả năng đáp ứng: “Hàng hóa loại này thường quá khổ, quá tải. Chiếc môtơ nhỏ, thời gian kiểm tra là 15 ngày.

Với toàn bộ thiết bị, dễ chừng chúng tôi phải mất hàng năm”. Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Bình Định thì phàn nàn, nhiều năm kiến nghị bãi bỏ thủ tục kiểm dịch thực vật đối với gỗ tròn, gỗ xẻ nhập khẩu vẫn chưa được lắng nghe. Thủ tục trên là không cần thiết bởi gỗ nhập khẩu không phải thực vật sống để có thể ẩn tàng dịch hại. Trên thực tế, việc kiểm dịch tiến hành bằng mắt thường chứ không phải qua máy móc.

Theo Hải quan Bình Định, kiểm tra chuyên ngành chiếm 72% thời gian thông quan hàng hóa trong khi thủ tục hải quan chỉ 28%. Ở Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Quy Nhơn, doanh nghiệp cần 1 tiếng 30 phút xuất trình hồ sơ, chờ hải quan “OK” cho hàng về kho nhưng lại tốn (trung bình) tới hơn 11 ngày giải phóng lô hàng qua kiểm tra chuyên ngành, tính từ khi đăng ký tờ khai.

Tỉ lệ lô hàng chịu kiểm tra chuyên ngành trước thông quan tại Bình Định luôn cao hơn bình quân cả nước, 31-49%, và hãy còn chót vót so với yêu cầu 15% của Chính phủ cho 2016. Trong khi xác suất không đạt chỉ chưa tới 1%!

Còn nhớ nỗi “phân vân” từ người đứng đầu Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong các buổi làm việc tại Hải Phòng và với Bộ Khoa học - Công nghệ, rằng những sản phẩm cao cấp, vốn xuất xứ từ nhóm các nước G7 thì có cần kiểm tra hay không? Điểm qua một số văn bản do Chính phủ ban hành nhằm “tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2017, định hướng đến 2020” hay Chỉ thị 27/CT-TTg “Về việc đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” thấy rõ chỉ dấu sốt ruột ở thượng tầng. Chỉ có điều, đang tồn tại nghịch lý là trên nóng song dưới dường như vẫn nguội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn