MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trào lưu kêu cứu Chính phủ

NGUYỄN TRUNG HIẾU LDO | 10/08/2018 08:27
Vài ngày qua, dư luận quan tâm đến vụ một Cty sản xuất trứng gia cầm gửi văn bản “kêu cứu Chính phủ” trong câu chuyện hợp tác làm ăn với một quỹ đầu tư. 

Cùng lúc đó, một doanh nhân nổi tiếng ngành càphê cũng gửi thư đến chính phủ trần tình, nhờ can thiệp vụ đề bạt vị trí lãnh đạo trong Cty, mà điểm xuất phát do “cơm không lành, canh không ngọt” trong quan hệ hôn nhân… Sự kiện gây chú ý vì cả hai trường hợp này đều là đơn vị kinh tế hàng đầu trong ngành hàng, và mối tranh chấp mà hai bên trình đến cấp cao nhất quản lý Nhà nước, có phần “nhầm địa chỉ”.

Thế nhưng oái ăm thay, trong vài năm gần đây, kêu đến Chính phủ, xem chừng đang là trào lưu, từ những tranh chấp nhỏ nhặt nhất thuộc phạm vi cá nhân, đến lớn như hai vụ kể trên. Thử tìm kiếm trên internet với bốn từ “kêu cứu Chính phủ”. Kết quả tổng cộng có đến hơn 9 triệu thông tin liên quan đến từ khóa này. Có thể liệt kê sơ bộ những vụ gần nhất như: Khu dân cư ngoại giao đoàn bị chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch; quốc lộ hư hỏng; xuất khẩu gỗ dăm; ôtô nhập khẩu bí đường về VN; kiểm tra chuyên ngành gây rối… tất cả đều kêu đến Chính phủ!

Đáng chú ý, hiện tượng này lại không phải thể hiện sự kém hiểu biết về pháp luật, mà đa phần trong đó “nguyên đơn” không còn tin vào sự điều tiết, phán xử của cơ quan hành pháp, tư pháp cấp dưới. Ví dụ mới đây UBND tỉnh Bình Thuận “kêu cứu” Chính phủ về việc cấp phép khai thác Titan vô tội vạ, chồng lấn gây ra tình hình mất kiểm soát. Sau đó Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng buộc phải yêu cầu các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, UBND các tỉnh cùng ngồi lại cùng giải quyết. Hay câu chuyện Cty Ba Huân “kêu” đến Chính phủ can thiệp để ngừng hợp tác với Quỹ đầu tư VinaCapital, cũng quá “khó tin” khi một công ty kinh doanh, gặp chuyện hợp tác làm ăn không suôn sẻ cũng gửi văn bản “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ…

Thời gian đâu để Chính phủ có thể giải quyết hàng nghìn vụ việc tranh chấp thuộc về lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế… vốn là hiện tượng tất yếu và rất thường trong cuộc sống thường nhật, hoặc những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình vận hành của kinh tế thị trường? Có thể thấy một phần không nhỏ xuất phát từ sự thờ ơ, thiếu thấu đáo, kém hiểu biết pháp luật của cấp dưới, cấp cơ sở… Đó cũng là hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” như Thủ tướng Chính phủ có lần nhận xét.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn