MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ cây thanh long đến cây hồ tiêu

KỲ QUAN LDO | 29/05/2018 07:10
Cách đây vài năm, các vùng trồng thanh long ở Long An bỗng xôn xao trước việc có nhiều người đến mua gom bông thanh long, rồi sấy khô xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Chính quyền một số địa phương ở tỉnh Long An lúng túng nên khuyến cáo bà không được bán bông thanh long cho thương lái khi chưa biết họ mua làm gì. Dù vậy, người nông dân vẫn bán bông thanh long cho thương lái. Họ chỉ biết rằng, thay vì vặt bỏ bông thanh long, gom lại đem bán được bộn tiền. Theo kỹ thuật trồng thanh long, người trồng phải vặt bỏ khoảng một nửa lượng bông mới đơm, số còn lại mới cho trái chất lượng. Từ trước tới giờ, bông thanh long chỉ vặt bỏ đi, có khi còn gây ô nhiễm môi trường. Giờ có người mua, cảm ơn họ không hết, cớ sao lại cấm? Sau đó một thời gian, tôi có chuyến đi công tác Trung Quốc được uống Trà thảo mộc làm từ nhiều loại hoa. Thật bất ngờ, khi trong thành phần trà có cả bông thanh long mua từ Việt Nam. Thì ra là vậy, thương nhân Trung Quốc đã mua thứ người Việt mình vứt đi để làm thức uống cao cấp.

Câu chuyện tương tự mới đây lại xảy với cây tiêu ở vài địa phương Tây Nguyên. Cung vượt cầu, hồ tiêu rớt giá thảm hại. Trồng tiêu hiệu quả thấp. Nhiều hộ nông dân phải chặt bỏ, đặc biệt là những cây già cho năng suất thấp, để chuyển sang trồng cây khác hiệu quả hơn. Thân tiêu chặt bỏ còn dùng làm củi đốt, chớ rễ cây chẳng làm gì được, người nông dân còn phải mất công đào bỏ. Đúng lúc ấy, có người đến mua gom rễ tiêu để xuất sang Trung Quốc. Họ mua với giá 20.000 đồng/kg rễ tươi và 90.000 đồng/kg (rễ khô). Thay vì bỏ đi, người nông dân bán rễ tiêu thu được khá tiền.

“Phát hiện” vấn đề, chính quyền địa phương đã yêu cầu ngưng việc mua bán rễ tiêu, vì có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự, an ninh nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Mặc cho cảnh báo, người nông dân vẫn bán rễ cây tiêu, thay vì bỏ đi. Có điều chắc chắn là, thương lái Trung Quốc không mua rễ hồ tiêu đem về đổ bỏ, mà sẽ làm ra một thứ gì đó có giá trị, đem bán kiếm lời. Cũng cần nói thêm, lúc giá hồ tiêu hãy còn cao, thương lái cũng đến đặt vấn đề mua rễ cây tiêu, nhưng không ai bán, vì tính ra để dưỡng cây, rồi bán hạt hồ tiêu hiệu quả hơn nhiều. Đừng hoảng hốt, hãy để người nông dân tự quyết những chuyện đơn giản ấy, họ thừa biết cái nào có lợi, cái nào hại!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn