MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chăm sóc vườn hoa công nghệ cao. Ảnh: Báo Đầu tư.

Tự cứu!

NGUYỄN TRI LDO | 30/06/2018 07:49
Bộ NNPTNT vừa phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và sản phẩm an toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên”. 

Trước đó Diễn đàn kinh tế tư nhân, phối hợp với Văn phòng Chính phủ cũng có một hội nghị rộng rãi với các địa phương và chuyên gia bàn về vấn đề đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Tất cả đều cho thấy, đang có một chuyển biến mạnh trong quan điểm định hướng cơ cấu kinh tế, một thời quá chú trọng đến công nghiệp, du lịch mà quên đi rằng Việt Nam vốn là nước nông nghiệp và hiện có khoảng 60% lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản.

Năm 2017, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt hơn 36 tỉ USD; và cố gắng đến năm 2018 là 40 tỉ USD. Theo ông Nguyễn Quang Tin - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT), việc ứng dụng CNC và khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp là một hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy vậy với một nước gần như “thuần nông”, với nông dân gần như áp đảo về dân số, nhưng chỉ mới có 12 doanh nghiệp tổ chức ứng dụng CNC trong nông nghiệp là con số quá sức khiêm tốn. Ông Trần Viết Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng - cho biết, trên thực tế, việc ứng dụng các CNTT, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít. Còn ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho rằng, NNCNC cần sản xuất với quy mô lớn, vốn đầu tư ban đầu tương đối cao, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư.

Tại hội nghị, hầu hết các địa phương tiếp tục nêu kiến nghị với Chính phủ sớm thể chế hóa bằng các chính sách, cơ chế phù hợp cho sản xuất nông nghiệp CNC; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm phục vụ nông nghiệp CNC. Thiết nghĩ, lợi ích do sản phẩm nông nghiệp CNC mang lại đã quá rõ, nhưng cứ “chờ” cơ chế từ trên mãi thì bao giờ nông nghiệp các tỉnh miền Trung mới “phất cờ”. Xin “hãy tự cứu trước khi trời cứu!”. Đó là điều mà các địa phương phải ý thức, trước khi chờ đợi cơ chế của Chính phủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn