MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số giải pháp đã được đề ra tại Đại hội Công đoàn Caosu Việt Nam lần IX, nhiệm kỳ 2023-2028 tổ chức ngày 31.8 để đảm bảo tiền lương và thu nhập cho người lao động ngành caosu. Ảnh: Nam Dương

Giải pháp để đảm bảo tiền lương và thu nhập cho người lao động ngành caosu

Nam Dương LDO | 31/08/2023 15:51

TPHCM- Do điều kiện khách quan, chủ quan, tiền lương, thu nhập 6 tháng đầu năm 2023 của lao động Tập đoàn Công nghiệp Caosu Việt Nam (VRG) đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Một số giải pháp đã được đề ra tại Đại hội Công đoàn Caosu Việt Nam lần IX, nhiệm kỳ 2023-2028 tổ chức ngày 31.8, để đảm bảo tiền lương và thu nhập cho người lao động ngành caosu.

Tại Đại hội Công đoàn Caosu Việt Nam lần IX, nhiệm kỳ 2023-2028 tổ chức ngày 31.8, ông Trần Khắc Chung - Trưởng Ban Lao động - Tiền lương VRG - cho biết, đến hết tháng 6.2023, VRG có 81.790 NLĐ, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Tong đó, lao động trực tiếp là 66.374 người; tăng 4%, lao động gián tiếp là 8.383 người; giảm 1%, chiếm tỷ lệ 10,2. 6 tháng đầu năm 2023, có gần 9.260 người nghỉ việc, tiền trợ cấp thôi việc 32,62 tỉ đồng.

Theo ông Chung, năm 2023 theo dự báo tình hình kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, lạm phát tăng kéo dài gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu làm cho giá bán caosu giảm sâu và chưa có dấu hiệu khôi phục. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của doanh nghiệp liên tục tăng cho nên việc tuyển dụng lao động, chi trả tiền lương và thu nhập đối với NLĐ là một bài toán hết sức khó khăn trong giai đoạn hiện nay, tiền lương, thu nhập 6 tháng đầu năm 2023 đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Để thực hiện tốt công tác tuyển dụng, giữ chân NLĐ, đảm bảo tiền lương và thu nhập trong giai đoạn hiện nay, ông Chung cho rằng cần chú trọng tuyển dụng tại chỗ những NLĐ đã xin nghỉ việc trước đây. Giải pháp này giúp đơn vị tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí tuyển dụng, năng lực, kinh nghiệm của những người này đáng tin cậy hơn. Thực hiện công tác khoán hộ cho công nhân nhằm thu hút lao động nhàn rỗi trong gia đình, giải pháp này giúp đơn vị tiết kiệm đáng kể cả thời gian và chi phí.

Đồng thời, tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao chất lượng cán bộ, từng bước thống nhất cơ cấu tổ chức theo quy mô và ngành nghề sản xuất kinh doanh trong toàn ngành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Từng bước giảm tỉ lệ lao động gián tiếp (trước mắt năm 2023 là 9%), góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, quản lý tốt chi phí doanh nghiệp theo quy định chung của VRG.

Ông Chung cũng cho rằng cần thường xuyên đánh giá để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các nội quy, quy chế tại doanh nghiệp liên quan đến chính sách, pháp luật lao động, nhất là các chính sách liên quan trực tiếp đến NLĐ và chi phí của doanh nghiệp như tiền lương tối thiểu, giờ làm thêm, BHXH, tăng cường đối thoại, thương lượng để lựa chọn phương án bảo đảm tính hài hòa, tạo động lực làm việc cho NLĐ và sự phát triển của doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực và kiến thức chuyên môn tốt thông qua công tác tuyển dụng, bố trí lao động. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng cách nghiên cứu mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm nhằm ổn định lâu dài theo nhu cầu tiêu thụ, cân đối sản phẩm tồn kho phù hợp; từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo tỷ lệ phù hợp và bền vững theo xu hướng hiện tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn