MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giờ ăn ca của người lao động trong hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam. Ảnh: CĐN

Cần tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận nhà ở xã hội

Kiều Vũ LDO | 23/03/2022 10:23
Đầu tư xây dựng, hỗ trợ chính sách, tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận các loại hình nhà ở xã hội, các nguồn kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp là một trong những đề xuất của Công đoàn Dệt May Việt Nam.

Số lao động nữ thuộc hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam tính đến 31.12.2021 là 83.700 người, chiếm 70% tổng số lao động. Độ tuổi trung bình là 35 tuổi, trong đó tuổi từ  25-40 chiếm tỷ lệ 75%, chủ yếu trong độ tuổi sinh nở và nuôi con. Đa số là lao động ngoại tỉnh, khó khăn về nhà ở, sinh hoạt để an cư lạc nghiệp.

Lao động nữ thuộc hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam luôn được đảm bảo việc làm phù hợp với tay nghề, khả năng. Trong điều kiện dịch bệnh, các đơn vị linh hoạt chuyển đổi mặt hàng, bố trí các phương án sản xuất thích hợp để đảm bảo việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, thời gian làm việc nhiều, thậm chí ca kíp, ít nhiều ảnh hưởng đến việc chăm sóc con cái, gia đình. Môi trường làm việc nặng nhọc độc hại (độ ồn, nồng độ bụi); tư thế làm việc gò bó, cường độ làm việc cao (ngồi nhiều với CN may, đứng máy và đi tua suốt ca đối với công nhân sợi dệt), ảnh hưởng đến sức khỏe, thể trạng.

Để chăm lo cho đoàn viên, người lao động, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong hoạt động và tổ chức được những hoạt động mang tính hiệu quả cao. Một trong số đó là thương lượng, ký kết Thoả ước lao động tập thể ngành lần thứ V, bổ sung thêm nhiều điều khoản chăm lo cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng như tặng quà 8.3, 20.10; bữa ăn ca của lao động nữ mang thai, khuyến khích các doanh nghiệp lắp đặt cabin vắt trữ sữa; hỗ trợ lao động nữ những ngày nguyệt san, trợ cấp thai sản lao động nữ sinh con phù hợp với chính sách dân số quốc gia…

Thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua để phát huy năng lực, sự đóng góp của chị em; kịp thời tôn vinh khen thưởng lao động nữ và các gia đình dệt may tiêu biểu. Một số đơn vị có mô hình chung cư, ký túc xá công nhân; nhiều doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà trọ.

Từ thực tế của ngành, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã có một số kiến nghị, đề xuất Tổng Liên đoàn hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Một trong những đề xuất đó là thúc đẩy để chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi khác; chính sách giảm thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được thực thi trên thực tế. Kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ người lao động tiền trông trẻ, gửi trẻ trong thời gian các cơ sở mầm non, tiểu học dừng hoạt động do dịch bệnh. Đầu tư xây dựng, hỗ trợ chính sách, tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận các loại hình nhà ở xã hội, các nguồn kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng kiến nghị Tổng Liên đoàn triển khai và giám sát có hiệu quả các chương trình phúc lợi đoàn viên mà Tổng Liên đoàn ký với các đối tác, đem lại các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu với giá ưu đãi cho người lao động; chia sẻ, lan tỏa các mô hình hay, các cách làm hiệu quả về chăm lo việc làm, đời sống cho lao động nữ để các ngành, địa phương học hỏi, nhân rộng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn