MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ký kết Thoả ước lao động tập thể ngành lần 2 giữa Ban Chấp hành Công đoàn ngành Dệt-May Hà Nội và Ban Chấp hành Hội Dệt May thành phố Hà Nội. Ảnh: CĐN

Ký kết Thoả ước lao động tập thể ngành Dệt may Hà Nội lần 2

Hải Anh LDO | 23/07/2022 07:00

Ban Chấp hành Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội và Ban Chấp hành Hội Dệt may thành phố Hà Nội tổ chức ký kết Thoả ước lao động tập thể ngành Dệt may Hà Nội lần 2.

Quá trình thương lượng, đối thoại và xây dựng Thoả ước lao động tập thể ngành lần 2 được thực hiện các bước: Thành lập Ban soạn thảo; 4 bước đối thoại, thương lượng, hội thảo và Hội nghị hiệp thương. Những người tham gia thương lượng khẳng định các nội dung Thoả ước lao động tập thể ngành phù hợp thực tế chung trong toàn ngành và đơn vị cơ sở; Thoả ước lao động tập thể có nhiều điều, khoản quy định có lợi hơn cho người lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, tiền phụ cấp, chất lượng dinh dưỡng bữa ăn ca, các chế độ phúc lợi xã hội... 

Kết thúc quá trình thương lượng, đối thoại, bản Thỏa ước đã được người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở ủy quyền cho Hội Dệt may thành phố, Công đoàn ngành ngành Dệt may Hà Nội ký kết Thoả ước lao động tập thể cấp ngành lần thứ 2.

Thoả ước lao động tập thể ngành Dệt may Hà Nội cụ thể hóa các quy định của pháp luật phù hợp với tính chất, đặc điểm của các doanh nghiệp cùng ngành nghề, làm cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động. 

Đây cũng là cơ sở tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động, tạo điều kiện cho người lao động thông qua sức mạnh tập thể để thương lượng nhằm đạt được những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật lao động. Thoả ước lao động tập thể ngành còn là cơ sở pháp lý đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, đặc biệt là khi xảy ra các tranh chấp lao động và quá trình giải quyết tranh chấp lao động phát sinh tại cơ sở.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội yêu cầu Ban Thường vụ Công đoàn ngành và đề nghị Hội Dệt may Hà Nội sau khi ký kết cần sớm triển khai bản Thỏa ước ngành đã ký kết đến các đơn vị trực thuộc; tiếp tục nâng cao số lượng đơn vị tham gia Thoả ước lao động tập thể ngành trong thời gian tới; hướng dẫn từng đơn vị căn cứ Thỏa ước ngành xây dựng Thỏa ước doanh nghiệp; kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của pháp luật lao động, tạo sự đồng thuận, mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn