MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rất nhiều lao động nam trong ngành Dệt may có thành tích công việc cao và thu nhập tốt (ảnh minh hoạ). Ảnh: Đoàn Văn Dũng

Lao động nam trong dây chuyền dệt may: Khéo léo không thua thợ may nữ

Nguyễn Thị Thuỷ LDO | 04/04/2023 10:40

Dệt may là ngành có số lao động nữ rất đông, chiếm tới 70%. Điều đặc biệt là ngành dệt may còn có không ít lao động nam hoàn thành xuất sắc công việc đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, khéo léo – những đức tính vốn được coi là thế mạnh của lao động nữ.

Anh Phạm Văn Thinh - công nhân may Chuyền 6 (Công ty May II) thuộc Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định đã có 17 năm công tác trong ngành may. Là công nhân trực tiếp sản xuất nhưng anh Thinh luôn đứng trong tốp đầu về thu nhập. Nói về sự lụa chọn cũng như công việc của mình, anh Thinh chia sẻ: Nam giới làm nghề may không nhiều như các nghề xây dựng, điện tử, cơ khí, vận tải… Nhưng khi đã lựa chọn, gắn bó với nghề thì đại đa số họ làm rất tốt, thu nhập cao và có cơ hội phát triển vì nam giới có điều kiện hơn để chuyên tâm công việc bởi họ không phải dành một thời gian nhất định cho việc sinh con, chăm sóc con nhỏ, gia đình.. như phụ nữ. 

Chuyền 11 Công ty May 1 - Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định hiện có 35 lao động, trong đó có 8 nam giới. So với các chuyền khác, lao động nam của chuyền này khá đông. Nam giới làm việc tại đây thường đảm nhận công việc sử dụng máy may hiện đại, công nghệ cao, đòi hỏi phải nhanh nhạy, khéo léo và sáng tạo trong quá trình xử lý và vận hành. 

Còn tại Tổng Công ty May 10 - CTCP, không ít nam giới tham dự các cuộc thi Thợ giỏi các cấp và đạt thành tích. Các anh là những công nhân gắn bó với doanh nghiệp từ 28-35 năm, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu lao động giỏi, có thành tích trong việc kèm cặp, giúp đỡ công nhân mới vào nghề như anh Nguyễn Huy Bính - công nhân cuốn sườn, Dương Văn Đoài - công nhân vận hành máy may Công nghiệp thuộc Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội; anh Nguyễn Mạnh Dũng - công nhân ép cổ, ép phom ve thuộc Xí nghiệp Veston Hà Nội...

Theo ông Đoàn Văn Dũng - Trưởng Phòng nhân sự Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định - doanh nghiệp hiện có trên 3.000 lao động trong đó 32% là nam giới. Ngành may hiện nay đa phần tự động hóa, máy móc hỗ trợ nhiều công đoạn nên nam giới hoàn toàn có thể đảm đương nhiều công việc, phụ trách các dây chuyền may khác nhau... Do vậy, Công ty sẵn sàng tiếp nhận lao động nam nếu họ đáp ứng yêu cầu công việc.

Tuy nhiên, thực tế khi tuyển dụng cho thấy, ban đầu lao động nam thường không tự tin với nghề nhưng qua đào tạo và tích lũy kinh nghiệm họ làm rất tốt, nhiều lao động nam vươn lên giữ vị trí từ tổ trưởng, quản lý chuyền may đến lãnh đạo quản lý... Một số lao động nam còn nhanh nhạy, nắm bắt tốt thiết bị mình vận hành, "bắt bệnh" và chủ động sửa chữa lỗi hỏng nhỏ góp phần nâng cao năng suất và hiệu suất sử dụng máy. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc nếu lao động nam có năng lực và động cơ phấn đấu Công ty sẽ bồi dưỡng, tạo điểu kiện tốt nhất để họ phát triển.

Theo báo cáo năm 2022 của Công đoàn Dệt may Việt Nam, tỉ lệ lao động nam đang làm việc trong ngành là 29,6%. Bên cạnh những khó khăn có khá nhiều điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, nhìn vào con số thống kê nêu trên có thể khẳng định dư địa còn khá dồi dào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn