MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên Điện lực Hà Nội được trang bị bảo hộ y tế đáp ứng yêu cầu tuân thủ về công tác phòng, chống lây nhiễm dịch COVID-19. Ảnh: ĐLHN

Cán bộ Công đoàn chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo an toàn cho người lao động

Hà Anh LDO | 05/09/2021 10:08

Mới đây, các cán bộ công đoàn Điện lực Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động chăm lo bảo vệ an toàn cho người lao động, công tác tuyên giáo, truyền thông trong phòng, chống dịch COVID-19. 

Từ kinh nghiệm của các đơn vị phía Nam, ông Lê Xuân Thái - Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Điện lực Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Điện lực miền Nam cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở khu vực các tỉnh phía Nam đang diễn biến hết sức phức tạp. 

Trong quá trình thực tiễn hoạt động phòng chống dịch COVID-19, ông Thái chia sẻ kinh nghiệm là phải thường xuyên cập nhật tình hình lây nhiễm của dịch COVID-19 để tuyên truyền kịp thời tới người lao động; đã giãn cách xã hội thì phải chấp hành nghiêm, áp dụng tối đa công nghệ vào hoạt động sản xuất, điều hành. Người lao động khi thực hiện chế độ “3 tại chỗ” thì tuyệt đối thực hiện nghiêm quy định giãn cách phòng, chống dịch COVID-19; đơn vị phải có kế hoạch xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho lực lượng lao động trực tiếp thực hiện chế độ “3 tại chỗ”; ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lao động trực tiếp, để đảm bảo an toàn cho lực lượng nòng cốt của các đơn vị.

“Nơi tâm dịch COVID-19 bùng phát, các đơn vị phải có kế hoạch trang bị túi thuốc, thiết bị y tế, bình ôxy để hỗ trợ cho cán bộ công nhân viên trong đơn vị, đặc biệt lực lượng lao động trực tiếp không may bị nhiễm COVID-19 (F0), để người lao động yên tâm công tác đi vào vùng dịch; bảo vệ được nguồn lao động trực tiếp, trình độ cao của đơn vị” - ông Lê Văn Minh - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh - chia sẻ.

Đối với kinh nghiệm thực tế từ các đơn vị của truyền tải điện, ông Lê Huy Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết, cần chia nhỏ nhóm lực lượng lao động trực tiếp vận hành hệ thống điện từ ăn, ở, sinh hoạt tách nhau thành 3 khu vực cách biệt nhau để không lây nhiễm chéo cho nhau, đảm bảo mọi tình huống sẵn sàng vận hành an toàn hệ thống. 

“Để không xảy ra lây nhiễm chéo trong quá trình cách ly tập trung chúng ta cần có phương án khai thác trụ sở đơn vị, các nhà nghỉ ca, nhà khách, hoặc thuê nhà khách cho lực lượng lao động trực tiếp vận hành, sửa chữa thuộc đối tượng F1, F2 thực hiện cách ly tập trung, để không lây nhiễm chéo trong quá trình cách ly tập trung… từ đó đảm bảo được nhân lực lao động trực tiếp có trình độ cao, các chức danh trực vận hành phải có trình độ, được đào tạo mất nhiều thời gian và phải được cấp chứng chỉ mới đảm bảo được vị trí trực vận hành” - ông Thắng nêu ý kiến.

Liên quan đến hoạt động truyền thông công đoàn, ông Trần Doãn Thành - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) cho rằng cần đẩy mạnh nhóm truyền thông công đoàn, mỗi đơn vị có một người để truyền thông đến tất cả người lao động các văn bản, chỉ đạo, nội quy, quy chế của đơn vị đến đoàn viên, người lao động; có cơ chế động viên thăm hỏi, tặng quà người thân gia đình của lực lượng lao động trực tiếp phải cách ly tập trung nhiều tháng tại các nhà máy để cán bộ công nhân viên được động viên, yên tâm công tác… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn