MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh buổi Toạ đàm. Ảnh: Hà Anh

Cần có các chế độ đặc thù đối với NLĐ trong các Công ty nhà nước

Lương Nguyễn LDO | 09/10/2020 11:22

Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN, ngày 9.10, tại trụ sở Tập đoàn EVN, Khối thi đua 9 Công đoàn tập đoàn, TCty tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Tình hình thực hiện các chế độ đặc thù đối với người lao động trong các công ty nhà nước”.

Chủ trì buổi toạ đàm là Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thuỳ Lan (Khối trưởng); Chủ tịch Công đoàn TCty Hàng hải Việt Nam Lê Phan Linh (Khối phó); Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng (đơn vị đăng cai tổ chức Toạ đàm).

Tham dự Toạ đàm còn có đại diện lãnh đạo Công đoàn tập đoàn, TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN: TCty Hàng không Việt Nam, Dệt May Việt Nam, Than Khoáng sản Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, Caosu Việt Nam; đại diện Ban Quan hệ lao động, Ban Chính sách kinh tế - xã hội và Thi đua khen thưởng Tổng LĐLĐVN…

Ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu tại buổi toạ đàm. Ảnh: Hà Anh

Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, chế độ đặc thù đối với người lao động trong các công ty nhà nước là một chính sách của Nhà nước quan tâm, động viên dành cho nhóm người lao động làm việc trong các ngành, nghề có tính đặc thù để phân biệt với các ngành nghề khác, đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức của người lao động, đồng thời cũng là công cụ quản lý trong doanh nghiệp…

Việc áp dụng chế độ đặc thù đã thể hiện được mục đích ý nghĩa đặt ra và đảm bảo sức khỏe, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động trong thực hiện công việc, động viên khuyến khích, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động.

Ngày 3.1.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg về việc bãi bỏ 71 văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng ban hành. Theo đó, tại khoản 29 và khoản 56 Điều 1 bãi bỏ Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 43/2012/QĐ-TTg về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong các công ty nhà nước.

Thực hiện Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg, khi các Quyết định số 234, Quyết định số 43 bị bãi bỏ, có Tập đoàn, TCty đã tạm dừng thực hiện, có đơn vị thực hiện chế độ chính sách theo cơ sở pháp lý tại văn bản khác.

Đối với các đơn vị tiếp tục thực hiện chế độ đặc thù thì quyền lợi của người lao động được đảm bảo, yên tâm làm việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Đối với một số đơn vị tạm dừng thực hiện, ảnh hưởng rất lớn tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh khi người lao động rất tâm tư, thu nhập bị giảm sút. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các Tập đoàn, TCty được Nhà nước giao.

Trong thời gian qua, Công đoàn các Tập đoàn, TCty liên tục nhận được phản ánh, kiến nghị của người lao động về việc đảm bảo chế độ đặc thù để được yên tâm công tác.

“Mục đích Tọa đàm là để làm rõ tình hình thực hiện các chế độ đặc thù trong thời gian qua để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo tiếp tục thực hiện các chế độ này đảm bảo quyền lợi của người lao động, qua đó thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của các Tập đoàn, TCty” - ông Hùng nói.

Đại diện Công đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu tại buổi toạ đàm. Ảnh: Hà Anh

Tại buổi Toạ đàm, đại diện 9 Công đoàn Tập đoàn, TCty đã đánh giá về ý nghĩa, mục đích, sự cần thiết của các chế độ đặc thù đối với người lao động trong thời gian qua, đóng góp cho việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người lao động khi bị tạm dừng thực hiện chế độ đặc thù từ đầu năm 2020 đến nay; chia sẻ kinh nghiệm của các Tập đoàn, TCty tiếp tục thực hiện chế độ đặc thù để bảo đảm quyền lợi của người lao động; trình bày các vướng mắc khi thực hiện Bộ Luật Lao động 2019; các chế độ chính sách cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn