MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động nữ luôn được các cấp công đoàn ngành điện quan tâm, chăm lo. Ảnh: EVN

Người lao động ngành Điện lực được bảo đảm việc làm sau tai nạn lao động

Hà Anh LDO | 25/12/2023 16:14

Công đoàn Điện lực Việt Nam tập hợp, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích cho hơn 100.250 người lao động của các doanh nghiệp thành viên trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, là các doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước, thực hiện các hoạt động sản xuất, truyền tải và kinh doanh bán điện.

Ông Uông Quang Huy - Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, người lao động làm việc trong ngành Điện có môi trường làm việc với tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại (yếu tố nguy hiểm về điện, ngã cao, cơ học, hóa chất, cháy nổ, nhiệt, thủy công, giao thông...). Do vậy, quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động luôn được Tập đoàn và các đơn vị coi trọng.

Đối với các cấp Công đoàn luôn xác định công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ trọng tâm, từ việc phối hợp xây dựng kế hoạch, tuyên truyền vận động, tập huấn, huấn luyện người lao động thực hiện, tổ chức các phong trào thi đua về ATVSLĐ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện… đến đối thoại, thương lượng về công tác ATVSLĐ nhằm cải thiện môi trường làm việc, nâng cao quyền lợi cho người lao động.

Các doanh nghiệp trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước nên các chế độ, chính sách cho người lao động và môi trường làm việc đều được các bộ ngành quan tâm và đảm bảo đầy đủ. Công đoàn các cấp phối hợp với chuyên môn triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ cho người lao động đối với những chế dộ, chính sách, môi trường làm việc theo quy định pháp luật.

Triển khai thực hiện các quy định pháp luật lao động, pháp luật dân chủ ở cơ sở về đối thoại, về thương lượng tập thể, Công đoàn các cấp phối hợp với chuyên môn tổ chức đối thoại, thương lượng tại 100% các đơn vị trong Tập đoàn để đảm bảo quyền lợi của người lao động về các chế độ, chính sách nói chung và cả vấn đề cải thiện điều kiện làm việc.

Theo ông Uông Quang Huy, trong những năm qua, thông qua công tác đối thoại, thương lượng, điều kiện làm việc và công tác ATVSLĐ đã được cải thiện và mang lại những lợi ích nhất định cho người lao động.

Ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam (thứ 3 từ phải sang) động viên người lao động. Ảnh: Hà Anh

Cụ thể trong 2 bản Thỏa ước lao động tập thể Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2019, 2021 đã có nhiều điểm có lợi cho người lao động về công tác ATVSLĐ như mức bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn lao động cao hơn 3 lần so với mức tối thiểu đang thực hiện theo quy định pháp luật lao động; phụ cấp an toàn vệ sinh viên (ATVSV) được nâng lên từ mức 0,1 lên mức 0,2; mức chi phí tối thiểu khám sức khỏe định kỳ được quy định: 1 triệu đồng; bảo đảm việc làm sau tai nạn lao động.

Chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe được quy định bắt buộc thay cho khuyến khích theo pháp luật và bổ sung đối tượng NLĐ có sức khỏe loại 4, 5. NLĐ được trả đủ lương khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như khi đi làm bình thường trong thời gian điều trị. NLĐ được trả đủ lương như đi làm bình thường trong trường hợp từ chối công việc khi thấy nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đe dọa tính mạng, sức khỏe.

Trong các kỳ đối thoại, hội nghị NLĐ các năm 2019 – 2023, từ kiến nghị, đề xuất của Công đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thống nhất một số nội dung đáng quan tâm trong đảm bảo công tác ATVSLĐ và cải thiệu điều kiện làm việc cho NLĐ như đảm bảo chế độ vận hành an toàn điện; xây dựng nhà trực vận hành ở vùng sâu, vùng xa; sử dụng thang rút thay cho thang tre truyền thống; sử dụng xe vận hành nhỏ để thay thế dần phương tiện xe máy cá nhân…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn