MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Dương Văn Kiên trong giờ làm việc. Ảnh: NVCC

Nỗi niềm của công nhân nhận lương từ tiền công ty đi vay

Kiều Vũ LDO | 16/04/2021 15:20
11.315 công nhân lao động tại 20 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích của ngành Đường sắt có nguy cơ không có lương do vướng mắc về cơ chế. Trước tình hình đó, Công đoàn Đường sắt Việt Nam đã có văn bản gửi Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN).

Người lao động lo lắng về việc làm, thu nhập

Ngày 16.4, trao đổi với chúng tôi, các anh chị Nguyễn Thị Kim Thanh - công nhân gác chắn km 44 + 280 thuộc ga Đồng Văn, cung chắn khu vực 1 (Công ty Quản lý Đường sắt Hà Ninh) và anh Dương Văn Kiên - công nhân gác chắn tại chắn Cầu Lồi, cung đường Chợ Si (Công ty Cổ phần Quản lý Đường sắt Nghệ Tĩnh) đều bày tỏ lo lắng về việc làm, thu nhập.

Điều đáng nói, đây là tâm trạng chung của hơn 11.000 người lao động thuộc 20 doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công ích, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, đảm bảo an toàn chạy tàu thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, gồm tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì, sửa chữa nhỏ… khi mà doanh nghiệp chưa được ký kết hợp đồng giao việc của năm 2021.

Thu nhập bình quân của chị Thanh vào khoảng 5.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, chị Thanh không được nhận lương. Mới đây, lãnh đạo công ty phải vay mượn để tạm ứng cho công nhân lao động. Như chị Thanh được tạm ứng 2 tháng, mỗi tháng 2.100.000 đồng. Chị Thanh kể, trong công ty có những người cả 2 vợ chồng cùng làm khối này, lại đang nuôi 2 con học đại học nên cuộc sống vô cùng khó khăn.

Còn với anh Kiên cùng hơn 500 đồng nghiệp thì may mắn vẫn nhận đủ lương do công ty... thế chấp tài sản cho ngân hàng để vay tiền. 28 năm trong nghề nên anh Kiên vô cùng lo lắng cho tình trạng này. Nếu ít nữa, công ty không thể vay tiền mà vẫn chưa ký được hợp đồng giao việc thì nguy cơ không có cả tiền đóng bảo hiểm xã hội cho hàng trăm con người trong công ty...

Sở dĩ có tình trạng này vì từ năm 2019, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn được giao nhiệm vụ bảo trì, đảm bảo an toàn, vận hành, khai thác toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hiện hữu, nhưng kết cấu hạ tầng đường sắt lại thuộc sự quản lý của Bộ Giao thông vận tải theo Luật Đường sắt, dẫn đến việc các đơn vị thực hiện dịch vụ công ích thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không ký kết hợp được đồng giao việc hoặc ký được thì rất muộn (năm 2020, đến cuối tháng 4 mới được ký). Điều này đồng nghĩa với việc các đơn vị không có nguồn mua sắm vật tư thay thế, sửa chữa cầu đường và chi trả lương cho người lao động.

Nếu như vấn đề này tiếp tục kéo dài dẫn đến tình trạng người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, bỏ việc… do không có nguồn chi trả tiền lương cho người lao động. Khi đó, không chỉ ảnh hưởng hết sức lớn đến 11.315 công nhân lao động tại 20 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích của ngành Đường sắt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn vận tải Đường sắt, hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn ngành và việc làm, đời sống của hơn 26.000 công nhân lao động ngành Đường sắt Việt Nam.

Ngành Đường sắt khó có thể trụ vững đến hết tháng 4.2021

Vừa qua, Công đoàn Đường sắt Việt Nam đã có văn bản gửi Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về việc làm, thu nhập của công nhân lao động các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công ích thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Trong đó, văn bản nêu rõ Công đoàn Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tuyên truyền, giải thích cho người lao động hiểu rõ về những khó khăn hiện tại và hướng giải quyết của ngành. Qua đó động viên anh chị em gác chắn, duy tu sửa chữa, tuần đường cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo an toàn, đảm bảo chạy tàu. 100% người lao động có hoàn cảnh khó khăn được các cấp Công đoàn thăm hỏi động viên kịp thời, tuyên truyền để người lao động chia sẻ.

Song tình trạng này không thể kéo dài hơn nữa. Tình trạng thiếu kinh phí đến nay đã đẩy 20 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích của ngành Đường sắt đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4.2021.

Do đó, Công đoàn Đường sắt Việt Nam đề nghị Tổng LĐLĐVN có ý kiến với Chính phủ, các bộ, ban ngành và cơ quan hữu quan sớm có giải pháp ổn thoả nhất, cấp bách nhất để đảm bảo an toàn chạy tàu và đời sống, việc làm ổn định cho người lao động trong toàn ngành Đường sắt Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn