MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân gác chắn Công ty CP Đường sắt Hà Ninh. Ảnh: CĐ Công ty Đường sắt Hà Ninh.

Thu nhập bình quân tháng của lao động đường sắt đạt trên 9,1 triệu đồng

LƯƠNG HẠNH LDO | 13/07/2023 07:08

5 năm qua, ngành đường sắt Việt Nam phải đối mặt với khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Tuy nhiên, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong ngành vẫn đạt 9.160.000 đồng, bình quân hàng năm tăng 2,4%.

Tình hình việc làm, tiền lương, nhà ở, điều kiện làm việc và sinh hoạt của người lao động ngành Đường sắt đã được ông Mai Thành Phương - Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam thông tin tại Đại hội Công đoàn Đường sắt Việt Nam lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra vào ngày 12.7

Theo đó, tính đến 31.12.2022, ngành Đường sắt Việt Nam còn 24.241 người lao động. Đoàn viên Công đoàn có 23.760 người chiếm 98,1% tổng số lao động; đoàn viên nữ 5.930 người chiếm 97,64% tổng số lao động nữ.

Về tình hình việc làm, các đơn vị thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khối quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, khối các đơn vị sự nghiệp cơ bản được đảm bảo.

Trong các năm 2020, 2021 và những tháng đầu năm 2022 do ảnh hưởng dịch COVID-19, người lao động tại một số đơn vị khối vận tải, công nghiệp, xây lắp… thiếu việc làm nghiêm trọng.

Về thu nhập, thu nhập bình quân của lao động ngành này đạt trên 9.160.000 đồng, bình quân hàng năm tăng 2,4%.

Chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, đời sống người lao động gặp khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là sự phát triển của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, người lao động chưa thể tiếp cận chính sách về nhà ở của nhà nước, hoặc khó có khả năng mua nhà vì thu nhập thấp; nhiều người phải đi thuê nhà ở nhất là tại các thành phố lớn.

"Tuy nhiên, một số đơn vị của Tổng công ty đã linh hoạt bố trí nhà lưu trú cho người lao động ở xa; bổ sung kinh phí để cải tạo, sửa chữa, tổ chức bếp ăn tập thể đối với những nơi đèo dốc, vùng sâu vùng xa" - ông Phương cho hay.

Lí giải cho các tồn tại chưa cải thiện trong nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam cho hay: Cơ sở hạ tầng, phương tiện, kỹ thuật lạc hậu, ít được đầu tư. Ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Một số ít người lao động chưa nghiêm túc chấp hành nội quy, quy định, kỷ luật lao động,...

Đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến năm 2022 ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế xã hội trong đó có lao động, việc làm và thu nhập của người lao động.

Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ; có nội dung, chương trình hoạt động chỉ dừng lại ở mức triển khai, việc sơ tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm chưa kịp thời.

Vai trò, trách nhiệm, trình độ, kỹ năng, bản lĩnh của một số cán bộ công đoàn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tổ chức, chậm đổi mới. Công tác đào tạo, tuyển chọn còn nhiều bất cập, đa phần cán bộ công đoàn là bán chuyên.

Để cải thiện những bất cập, tồn tại, tại đại hội, ông Mai Thành Phương cũng đề ra các mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028; trong đó đặc biệt là nhiệm vụ tham gia quản lý; đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Ông Đặng Sỹ Mạnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá, trong hoạt động nhiệm kỳ 5 năm qua của Công đoàn Đường sắt Việt Nam gắn với giai đoạn mà ngành Đường sắt phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là các ảnh hưởng chưa từng có trong tiền lệ do dịch COVID-19 gây ra.

"Trong những khó khăn, thách thức ấy, Công đoàn Đường sắt Việt Nam và các cấp đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mình, chăm lo, cho Đoàn viên, người lao động toàn ngành; là cầu nối, gắn kết người lao động với doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp duy trì và phục hồi mạnh mẽ sản xuất kinh doanh" - ông Đặng Sỹ Mạnh khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn