MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sáng kiến sửa chữa tàu bay giúp doanh nghiệp tiết kiệm 42.000 USD

Lê Hằng LDO | 07/08/2022 08:27

Nhóm tác giả tại Trung tâm Phục vụ Bảo dưỡng và Trung tâm Bảo dưỡng nội trường Hà Nội (VAECO) đã có giải pháp sáng kiến trong việc nhanh chóng sửa chữa thành công hệ thống Dock, đảm bảo tiến độ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay theo dự kiến.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) đang quản lý, sử dụng 6 hang-ga ở các Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài để phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa cho các loại tàu bay với số lượt bảo dưỡng, sửa chữa khoảng 420 - 450 lượt/năm.

Trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, các nhân viên kỹ thuật cần phải sử dụng các loại giàn Dock phù hợp để tiếp cận đến các vị trí trên tàu bay. Tại VAECO, hang-ga số 4 – Tân Sơn Nhất được trang bị hệ thống Dock treo hiện đại bao gồm các module Dock thân và module Dock đuôi được treo ở khung chịu lực bên phải và bên trái hang-ga.

Các cán bộ, nhân viên kỹ thuật VAECO nghiên cứu giải pháp điều khiển module Dock treo của hang-ga khi bộ PLC bị hỏng. Ảnh: VAECO.

Hệ thống Dock này được vận hành tự động bằng bộ điều khiển lập trình PLC (Programmable Logic Controller) để điều khiển các module Dock lên/xuống, ra/vào tiếp cận tàu bay.

Trong tháng 4 vừa qua, một vấn đề kỹ thuật không mong muốn đã xảy ra với hệ thống Dock, đó là bộ điều khiển tự động PLC cho thân bên phải bị hỏng, trong khi nhà sản xuất ASI (Aircraft Support Industries) chưa thể thu xếp qua Việt Nam để sửa chữa khắc phục. Bên cạnh đó, ngày 18.4, đơn vị cần có giàn Dock áp vào tàu bay B787- A864 để sửa chữa.

Tình huống này đặt ra cho đội ngũ kỹ thuật VAECO phải sớm nghiên cứu giải pháp điều khiển module Dock treo của hang-ga khi bộ PLC bị hỏng.

Để đảm bảo khắc phục kịp thời gian thực hiện công việc, anh em kỹ thuật của Trung tâm Phục vụ Bảo dưỡng và Trung tâm Bảo dưỡng nội trường Hà Nội đã khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu giải pháp xử lý vấn đề này dựa trên cơ sở cách thức vận hành hệ thống Dock treo và kết quả khảo sát tình trạng module Dock thân bên phải.

Từ đó tiến hành phân tích, đánh giá hỏng hóc dựa trên các thông tin thực tế tổng hợp được kết hợp với tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất ASI.

Ông Đỗ Lưu Xuân Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Bảo dưỡng, Trưởng nhóm sáng kiến chia sẻ, sau khi đánh giá các phương án, cuối cùng anh cùng đồng nghiệp đã quyết định chọn giải pháp cấp nguồn trực tiếp và độc lập cho các mô tơ lai module Dock di chuyển theo phương ngang và thẳng đứng.

"Giải pháp này khá mạo hiểm nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chúng tôi đã quyết định thực hiện” – ông Vũ cho biết.

Tuy nhiên để thực hiện cách thức trên một cách bài bản và đầy đủ cần phải thiết lập tủ điện điều khiển, có thể vận hành được giàn Dock, không qua bộ điều khiển PLC nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát được tốc độ di chuyển của giàn Dock.

Giải pháp đã thể hiện khả năng làm chủ công nghệ của đội ngũ nhân viên kỹ thuật tại Trung tâm. Ảnh: VAECO.

Sau đó nhóm lên phương án xây dựng tủ điều khiển và đã thành công.

Vấn đề điều khiển về cơ bản đã được giải quyết nhưng phải tìm ra giải pháp xác định được chính xác độ sai lệch vị trí điểm treo ở hai đầu để đảm bảo kết cấu chịu lực của module Dock.

Để làm được điều này, nhóm đã có sáng kiến sử dụng dụng cụ cân mực laser, lấy vạch trung tâm trên sàn hang ga làm chuẩn để lấy dấu, sau đó phân đoạn di chuyển trên các trục hành trình lên/xuống, ra/vào của Dock.

"Sau khi hoàn thành lắp đặt, cân chỉnh toàn bộ hệ thống, tủ điện điều khiển Dock thân bên phải đã được Ban Đảm bảo chất lượng của VAECO kiểm tra nghiệm thu kỹ thuật trước khi đưa vào sử dụng” - ông Xuân Vũ chia sẻ.

Giải pháp sáng kiến này đã giúp VAECO giải quyết được đáng kể những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện công việc, không chỉ đảm bảo tiến độ sửa chữa như dự kiến mà còn giúp tiết kiệm số tiền lên đến hơn 42.000 USD nếu phải thuê đội ngũ sửa chữa nước ngoài của nhà sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn