MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sáng kiến “Thiết bị xả khí lốp tàu bay" giúp tiết kiệm chi phí bảo dưỡng

Lê Hằng LDO | 14/07/2022 16:58
15 năm gắn bó với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, anh Phạm Sơn Huy đã có những đóng góp vô cùng quan trọng vào việc đảm bảo an toàn các chuyến bay. Và mới đây, anh và đồng nghiệp đã cho ra sáng kiến “Thiết bị xả khí lốp tàu bay A320/321/350” giúp tiết kiệm đáng kể chi phí cho hoạt động bảo dưỡng tàu bay.
Phi công hay tiếp viên là những công việc thường được mọi người nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến ngành hàng không. Tuy nhiên, để có được những chuyến bay an toàn và thuận tiện cho khách hàng, bộ phận kỹ thuật luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Và bảo dưỡng máy bay là một trong số đó.
Anh Phạm Sơn Huy có những sáng kiến quan trọng vào việc đảm bảo an toàn các chuyến bay.

Trong số rất nhiều công việc liên quan đến bảo dưỡng máy bay, xả khí lốp là một nhiệm vụ nghe có vẻ đơn giản, nhưng nếu không thực hiện đúng kỹ thuật, hoàn toàn có thể gây ra những hỏng hóc, dẫn đến tổn thất đáng kể.

Khác với lốp xe thông thường, lốp máy bay được bơm khí nitơ để giảm thiểu việc tăng áp suất do nhiệt độ cao khi hạ cánh. Khi một chiếc lốp bị mòn hay cắt quá giới hạn, nó sẽ được thay thế. Để tránh những nguy hiểm khi vận chuyển về kho, lốp máy bay được xả khí, hạ áp suất từ khoảng 200psi (pound per square inch) về 20-30psi.

Khi thực hiện việc xả lốp, nhân viên kỹ thuật sẽ dùng dụng cụ xả khí PN 32008A của hãng Kestrel xả khí theo nguyên lý tháo ruột của van ra và lắp lại. Trong khi lốp đang có áp suất khoảng 200psi thì việc làm này dễ khiến dụng cụ bị bật ra dẫn đến hỏng ruột van khi lắp lại.

Thiết bị xả khí lốp tàu bay 2 đầu bằng đồng vàng mềm chịu mài mòn, không gây hỏng hóc cho ren của van khi xả khí.

Sau một thời gian sử dụng, nhận thấy một số bất cập và rủi ro có thể xảy ra, anh Huy và các đồng nghiệp tại Trung tâm bảo dưỡng Nội trường Hà Nội đã nghiên cứu chế tạo thành công dụng cụ xả khí 2 đầu bằng đồng vàng mềm chịu mài mòn, không gây hỏng hóc cho ren của van khi xả khí. Thiết bị này dùng được cho cả hai loại van cơ to lốp chính của tàu bay A320/321 và nhỏ cho lốp mũi.

“Khác với thiết bị PN 32008A của Kestrel, thiết bị chúng tôi chế tạo ra dùng nguyên lý dùng chính ren của van giữ và khi vặn vào thiết bị sẽ đẩy ruột van thấp xuống, khí sẽ thoát từ trong lốp ra trong thân thiết bị. Không những đảm bảo an toàn, thiết bị này còn rất dễ sử dụng” – Anh Huy chia sẻ.

Là một trong những sáng kiến được đánh giá rất cao về tính ứng dụng, tuy nhiên, anh Huy và các đồng nghiệp chỉ mất vỏn vẹn 2 tuần từ lúc lên ý tưởng cho đến lúc hoàn thành.

Anh Huy cho hay, một trong những khó khăn lớn nhất khi thực hiện sáng kiến này là anh và đồng nghiệp phải tự tìm hiểu các thông số kỹ thuật của ren van, sau đó là tìm các loại vật liệu mềm chịu được mài mòn trên thị trường.

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn trong khi xả lốp máy bay, với sáng kiến “Thiết bị xả khí lốp tàu bay A320/321/350”, anh Huy và nhóm tác giả đã giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí liên quan đến bảo dưỡng máy bay. Cụ thể, thiết bị mua của hãng Kestrel có giá khoảng 250 USD, trong khi tự chế tạo chỉ tốn vài trăm nghìn đồng.

Với sáng kiến của mình, anh Phạm Sơn Huy chia sẻ, ở Trung tâm bảo dưỡng Nội trường Hà Nội, ban lãnh đạo luôn khuyến khích, động viên anh em trong việc chế tạo các thiết bị phục vụ sản xuất.

"Gần đây nhờ cuộc thi “VNAer tự hào cống hiến” do Công đoàn Tổng Công ty phát động nên các sáng kiến được nhiều người biết đến hơn, từ đó cũng tiếp thêm động lực cho anh em tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa” – anh Huy nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn