MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Trần Thị Kim Dung (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng nghiệp. Ảnh: NVCC

Vào vùng dịch với ý nghĩ "mình có thể chết nhưng sẽ cứu được nhiều người"

Kiều Vũ LDO | 16/05/2023 10:36

Từ tháng 3.2021, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam và có nguy cơ bùng phát, chị Trần Thị Kim Dung - bác sĩ, đoàn viên Công đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch tại miền Nam. Khi được hỏi lúc ấy có sợ chết không, chị Dung trả lời: "Mình chết nhưng sẽ cứu được nhiều người".

Sẵn sàng hy sinh

Chị Kim Dung cũng là một trong những bác sĩ đầu tiên tình nguyện tham gia vào tổ xung kích tiến hành khám sàng lọc, tư vấn và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.

Trong thời điểm đất nước khốn khó vì dịch bệnh, trước sự sống và cái chết, chị Dung sẵn sàng chấp nhận hy sinh, nhận nhiệm vụ bất kỳ thời điểm nào. Cuối tháng 7.2021, chị được cử là thành viên tổ y tế của Bộ Y tế đi tăng cường tham gia công tác phòng - chống dịch tại một số địa bàn có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19  nặng, cần được sự hỗ trợ ứng cứu kịp thời. Trong đó có 3 tỉnh  Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang. 

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, với mong muốn được cống hiến sức lực của mình để cứu chữa bệnh nhân, chị Dung đã xin tiếp tục được ở lại và trực tiếp tham gia khám và điều trị bệnh nhân tại Trung tâm hồi sức tích cực vòng cuối điều trị COVID-19 nặng và nguy kịch tại Bệnh viện Phổi Đồng Tháp. Chị Dung là người hỗ trợ cuối cùng rời khỏi Đồng Tháp, khi tình hình dịch bệnh đã tạm được kiểm soát. 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngoài việc khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Dung luôn tích cực chuyển giao kỹ thuật, tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế Bệnh viện Phổi Đồng Tháp nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng thực hành, góp phần tăng hiệu quả điều trị. Trong suốt gần 3 tháng tại mặt trận chống dịch ở đây, chị Dung đã vận động người thân, các nhà hảo tâm quyên góp số tiền hơn 40 triệu đồng để ủng hộ các bệnh viện mua sắm các thiết bị làm mát, phục vụ bệnh nhân nặng điều trị COVID-19.

Chia sẻ với cán bộ Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam về thời điểm đó, bác sĩ Trần Thị Kim Dung bình thản nói: "Lúc đó mình chết nhưng sẽ cứu được nhiều người thì cũng rất tốt".

Học và làm theo Bác

Ý chí, nghị lực và tấm lòng của bác sĩ Kim Dung được hun đúc từ sự thấm nhuần, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ kính yêu. 

Bác sĩ Trần Thị Kim Dung tại Lễ biểu dương. Ảnh: NVCC 

Học theo Bác, trong quá trình làm việc, bản thân chị Dung luôn tích cực trau dồi kiến thức, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ tay nghề. Trong năm 2022, chị Dung đã hoàn thành khóa học Can thiệp mạch máu não và trở thành một trong số rất ít bác sĩ nữ can thiệp mạch máu DSA; đưa kỹ thuật can thiệp điều trị mạch máu não cấp cứu về triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, góp phần điều trị cho các bệnh nhân nhồi máu não hiệu quả, giảm tỉ lệ thương tật, giảm gánh nặng cho tuyến trên và cho xã hội. 

Chị Dung cũng tham gia vào mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, là thành viên nòng cốt chính trong mạng lưới tư vấn viên chỗ hỗ trợ cho hàng nghìn lượt người dân mắc bệnh trên địa bàn khu vực Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Nội).

Ngoài các hoạt động chuyên môn, chị Dung còn là đoàn viên Công đoàn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động như thi đấu thể dục thể thao, các chương trình hội thảo, các cuộc thi, văn hóa, văn nghệ… do Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp và Công đoàn Cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phát động. Chị còn là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ thông tin, triển khai hiệu quả bệnh án điện tử toàn diện…

Niềm vinh dự đến với bác sĩ Kim Dung vào tháng 5.2022, sau nhiều cố gắng không ngừng, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngoài việc đạt nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, niềm vui, niềm vinh dự lớn lao lại đến với bác sĩ Dung: Chị  là 1 trong 133 điển hình tiên tiến (58 tập thể, 75 cá nhân) học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp Công đoàn, công chức, viên chức, người lao động được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam biểu dương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn