MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Bảo Hân.

Bảo vệ "chiến sỹ áo trắng" trước dịch COVID-19

Bảo Hân LDO | 05/08/2020 14:18

Ngày 5.8, Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí điện tử Cuocsongantoan.vn (cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phối hợp tổ chức buổi toạ đàm Bảo vệ chiến sĩ áo trắng dịch COVID-19

Tham dự buổi toạ đàm có: TS Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam; PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế; ThS Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam; ThS Phạm Xuân Thành - Phó Trưởng phòng Quản lý sức khoẻ lao động, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế). 

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, ThS Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam – đánh giá, các điều dưỡng viên là lực lượng quan trọng, hậu thuẫn cho các hoạt động chuyên môn của bác sĩ chống lại COVID-19. “Các bệnh nhân mắc COVID-19 hiện đang được cách ly trong các buồng bệnh mà không có người nhà chăm sóc. Vì vậy, các điều dưỡng viên đang chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ thay thế cho người thân của các bệnh nhân, lấp vào khoảng trống tinh thần cho bệnh nhân”- ThS Phạm Đức Mục bày tỏ. 

Trước thông tin cán bộ y tế bị mắc COVID-19, ThS Phạm Đức Mục chia sẻ, các bác sĩ, điều dưỡng là đối tượng có nguy cơ mắc COVID-19 cao nhất khi họ phải chăm sóc bệnh nhân dài ngày hay thực hiện các thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Khi họ bị mắc COVID-19, đấy là trạng thái “đảo chiều” (từ người điều trị bệnh thành người bị bệnh) mà bất kỳ ai cũng không mong muốn. ThS Phạm Đức Mục nhấn mạnh, sức khoẻ của các bác sĩ, điều dưỡng hiện nay không chỉ là tài sản riêng của họ mà chính là tài sản của hệ thống y tế, bởi nếu họ bị nhiễm bệnh thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt nhất và hệ thống y tế sẽ bị thiếu đi một lực lượng phục vụ.

Nhắc đến một số vụ phát hiện những cơ sở tái chế khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng, ThS Phạm Đức Mục cho rằng đây là vấn đề không thể chấp nhận trong giai đoạn hiện nay và đề nghị những người chịu trách nhiệm mua sắm, lãnh đạo các cơ sở y tế không để các trang thiết bị tái chế, không đảm bảo chất lượng lọt vào các bệnh viện, cơ sở y tế. Bởi các thiết bị phòng hộ là một trong những lá chắn bảo vệ cán bộ nhân viên y tế, các bệnh viện phải tăng cường kiểm tra, giám sát. 

Ths Phạm Xuân Thành - Phó Trưởng phòng Quản lý sức khoẻ lao động - cho biết, quy trình phòng chống lây nhiễm cho cán bộ nhân viên y tế đã được triển khai từ rất lâu. Để tránh lây nhiễm, nhân viên y tế cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình, thực hiện mặc đồ bảo hộ, để tránh sự xâm lấn cũng như không phát tán mầm bệnh. 

TS. Kingdong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng: Các cán bộ y tế trong tâm dịch phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp bảo vệ an toàn trước hết là an toàn cho mình sau đó là an toàn cho người bệnh. 

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam - chia sẻ với những cán bộ y tế đang gồng mình chống dịch và cho rằng, để đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế thì phải có sự vào cuộc của cả người dân, lãnh đạo và cán bộ y tế.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn