MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học 2023 - 2024, các khối lớp 4, 8, 11 sẽ lần đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Trang Hà

4 lý do không thể quay lại "độc quyền" sách giáo khoa

Bích Hà LDO | 17/08/2023 07:15

Sau gần bốn năm thực hiện, chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã có kết quả tích cực. Cả nước có 6 nhà xuất bản và 3 tổ chức đủ điều kiện tham gia biên soạn SGK, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước. Vì thế, nếu thời điểm này Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) biên soạn thêm một bộ sách sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng và tốn kém cho xã hội.

Chủ trương "một chương trình, nhiều SGK", xóa bỏ độc quyền xuất bản SGK là chủ trương, đổi mới quan trọng tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Việc này nhằm huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao chất lượng SGK, chống độc quyền trong lĩnh vực này và phù hợp với xu hướng quốc tế. Điều này cũng phù hợp với định hướng xây dựng nền giáo dục mở, “đa dạng hoá tài liệu học tập” trong Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thực hiện chủ trương quan trọng này, từ năm học 2020 - 2021, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai lần đầu đối với lớp 1 và thực hiện “cuốn chiếu” để đến năm 2025, tất cả khối lớp sẽ học theo chương trình mới. Những năm qua đều có ít nhất 3 bộ SGK do các cá nhân, tổ chức biên soạn, được Bộ GDĐT phê duyệt, địa phương lựa chọn sử dụng trong các nhà trường.

Sau thời gian triển khai, đến nay Nghị quyết 29 đã đạt được mục tiêu căn bản; Nghị quyết 88 còn chưa đạt được ở góc độ Bộ GDĐT chưa tổ chức được 1 bộ SGK.

Nghị quyết 88 có nêu: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình GDPT. Để chủ động triển khai chương trình GDPT mới, Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn”. Chính vì điều này, những ngày qua đã xuất hiện ý kiến về việc đề nghị Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ sau khi công tác xã hội hóa biên soạn SGK đã thực hiện được gần 4 năm. Tuy nhiên, có nhiều lý do để Bộ GDĐT không nên biên soạn thêm một bộ SGK.

Thứ nhất, tại Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19.6.2020 đã nêu rõ: “Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”.

Thực tế, sau gần 4 năm thực hiện đổi mới chương trình, SGK, cả nước có 6 nhà xuất bản (NXB) và 3 tổ chức đủ điều kiện tham gia biên soạn SGK. Mỗi năm đều có hơn 100 đầu SGK các môn học được phê duyệt, lựa chọn và đưa vào sử dụng trong các nhà trường. Như vậy, việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK theo chủ trương của Quốc hội đến nay đã bảo đảm có đủ SGK ở tất cả các lớp (từ lớp 1 đến lớp 12) để triển khai chương trình mới theo đúng lộ trình quy định của Quốc hội.

Việc xã hội hóa biên soạn và phát hành SGK đã góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, đảm bảo tính cạnh tranh, hướng đến mục tiêu đa dạng hóa nguồn học liệu phục vụ nhu cầu học tập và giảng dạy của học sinh, giáo viên. SGK không còn là "pháp lệnh", là duy nhất. Sự sáng tạo của thầy cô sẽ đưa học sinh đến đích bằng cách riêng của mình. Vì thế, thời điểm này không cần thiết phải yêu cầu Bộ GDĐT sử dụng ngân sách biên soạn thêm một bộ sách, mà cần tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK theo chủ trương đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19.6.2020.

Lý do thứ hai, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực xuất bản SGK, trực thuộc Bộ GDĐT, 100% vốn Nhà nước. Đến nay NXB đã hoàn thành biên soạn 2 bộ SGK đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục (gồm cả sách tiếng dân tộc, ngoại ngữ 1 ngoài tiếng Anh). Việc Bộ GDĐT chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn ít nhất 1 bộ SGK với đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục là góp phần tiết kiệm ngân sách và đúng với Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội (có ít nhất một sách giáo khoa cho mỗi môn học, tiết kiệm ngân sách).

Thứ ba, việc Bộ GDĐT chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam – đơn vị trực thuộc Bộ - biên soạn SGK đủ các môn học và hoạt động giáo dục có thể được xem là phương thức sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết 88 (Bộ GDĐT vẫn tổ chức biên soạn nhưng không triệt tiêu yếu tố xã hội hoá), đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các bộ SGK thực hiện theo phương thức xã hội hoá.

Lý do thứ tư là Bộ GDĐT - cơ quan quản lí nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, không có các bộ phận chức năng thực hiện các công đoạn xuất bản SGK. Nếu Bộ GDĐT tự thực hiện thêm một bộ SGK thì phải hình thành các bộ phận tương ứng như một NXB, dẫn tới lãng phí nguồn lực (tác giả, biên tập viên, hoạ sĩ, trang thiết bị trong lĩnh vực xuất bản), không phát huy được nguồn lực sẵn có tại NXB Giáo dục Việt Nam.

Việc thay SGK đã đi gần hết chặng đường nên nếu có thêm một bộ sách của Bộ GDĐT vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn. Điều này gây ra sự lãng phí về nguồn lực, công sức, trí tuệ và có thể nói sẽ đi ngược chủ trương xã hội hóa theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn