MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bị "ép" đi trực hè, giáo viên "bằng mặt mà không bằng lòng"

Nguyễn Văn Lực (Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) LDO | 16/06/2022 15:37

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có công văn gửi Sở GDĐT các địa phương yêu cầu không được phân công giáo viên trực hè nhưng đâu rồi lại vào đấy. Nhiều trường vẫn phân công giáo viên trực hè.

Theo Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT, sửa đổi quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định ở điểm a, khoản 3, điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”. Như vậy, giáo viên không bắt buộc phải trực hè. Tuy nhiên, nếu đồng ý trực hè thì thời gian giáo viên đến trực sẽ được tính vào thời gian làm thêm giờ.

Theo khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%, như vậy giáo viên trực hè vào ngày thường được trả tiền làm thêm giờ ít nhất bằng 150% giá tiền lương bình thường. 

Vậy từ 1.6 đến 31.7 hằng năm là thời gian nghỉ của giáo viên, căn cứ quy định pháp luật hiện hành nói trên, giáo viên không phải tham gia trực hè. Nhưng rất tiếc, một số trường hiện nay ở các địa phương trên cả nước, hiệu trưởng vẫn phân công giáo viên phải trực trong khoảng thời gian nghỉ hè này.  

Việc yêu cầu giáo viên đến trường trực hè, nhưng không được đồng ý là vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động. Tại Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt các vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động như sau: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động... Việc yêu cầu trực hè mà không được giáo viên đồng ý có thể bị phạt tới 25 triệu đồng. Vậy Ban giám hiệu các trường có biết việc trực hè là trái với qui định của pháp luật không?  

 Một số hiệu trưởng còn lập luận rằng căn cứ vào Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ GDĐT ban hành chức năng quyền hạn của hiệu trưởng, căn cứ vào tình hình thực tế hiệu trưởng đưa ra quy định trực trường và hơn nữa, thực tế cũng không có văn bản nào của Phòng GDĐT hay Sở GDĐT cấp trên của trường hướng dẫn chỉ đạo cho giáo viên không trực hè, chính vì vậy, nhiều hiệu trưởng tùy ý quyết định giáo viên có trực hè hay không là vậy. 

Còn thái độ của giáo viên thì như thế nào về việc này? Xin thưa “bằng mặt chứ không bằng lòng”. Nhiều thầy cô tuy không đồng tình nhưng không dám nói ra vì đây là quyết định của hiệu trưởng, không thể không thực hiện.

Cũng có thầy cô có ý kiến không đồng tình việc trực hè nhưng hiệu trưởng bảo cứ thực hiện, nếu có gì hiệu trưởng chịu trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm tới đâu và trách nhiệm như thế nào thì không rõ ràng và cũng không ai biết. Việc phân công trực hè cũng tùy trường, Ban giám hiệu phân công ngày trực dựa trên số giáo viên của trường, có nơi thầy cô trực một buổi, một ngày, hai ngày, hoặc ba, bốn ngày… tùy vào số giáo viên nhiều ít khác nhau, cũng có trường linh động để giáo viên nhờ người trực thay, thường là bảo vệ trường nhận cùng với ít tiền gọi là bồi dưỡng trực thế giáo viên gửi.

Một vấn đề đặt ra là nhiệm vụ của giáo viên trực trường là làm gì? Câu trả lời là không biết phải làm gì. Trông coi trường thì không đúng chức năng, nhiệm vụ, đây là việc của bảo vệ. Còn để xử lý giải quyết vấn đề văn bản, công văn đến… là nhiệm vụ của hiệu trưởng. Do đó, việc phân công giáo viên trực để làm gì là không rõ. Ban giám hiệu cần xem lại vấn đề này, để tránh những sự cố đau lòng có thể xảy ra. 

Vào tháng 6.2019, ông Hoàng Đức Minh, khi đó là Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã có công văn gửi các Sở GDĐT các địa phương yêu cầu không được phân công giáo viên trực hè nhưng đâu rồi lại vào đấy. Hiện nay, nhiều trường vẫn phân công giáo viên trực hè.

Vậy mong Bộ GDĐT sớm có công văn hướng dẫn thống nhất việc trực hè cho giáo viên. Đây là vấn đề không lớn nhưng gây ra nhiều bức xúc với thầy cô, đồng thời phản ánh sự lạm quyền của một số hiệu trưởng trong việc đưa ra những quyết định không dựa trên cơ sở pháp lý nào. Việc này cần phải được chấn chỉnh cũng là nhằm thực hiện tinh thần thượng tôn pháp luật. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn