MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều học sinh và cả phụ huynh đều đồng tình việc bỏ kỳ thi vào lớp 10. Ảnh minh họa: Huyên Nguyễn

Bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là hợp lý

Thạc sĩ Phạm Văn Chung - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum LDO | 02/03/2023 20:15

Việc một số tỉnh, thành đã mạnh dạn bỏ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội. Quyết định bỏ kỳ thi này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả học sinh, giáo viên và toàn xã hội.

Vĩnh Long và Đồng Tháp là hai tỉnh vừa tiên phong bỏ thi tuyển lớp 10 với kỳ vọng giảm áp lực cho học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng và cắt giảm tốn kém.  Đây là việc làm hợp lý, được học sinh, phụ huynh đồng tình bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, việc bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ giảm áp lực học hành rất nhiều cho học sinh và gia đình các cháu. Bởi ở nhiều địa phương kỳ thi tuyển sinh lớp 10 còn căng thẳng hơn nhiều so với các kỳ thi khác, kể cả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Mặt khác, bỏ kỳ thi này đồng nghĩa với việc dạy thêm, học thêm sẽ ít đi, giảm bớt học sinh đỡ phải áp lực từ chuyện học thêm tràn lan như hiện nay.

Thứ hai, việc không tổ chức kỳ thi này cũng sẽ tiết kiệm được khá nhiều công sức, chi phí, nguồn lực cho xã hội. Bởi kỳ thi này được tổ chức ở quy mô toàn tỉnh, thành phố nên chi phí, công sức bỏ ra là khá lớn như các khâu: Ra đề, coi thi, bảo vệ, chấm thi, phúc khảo, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Đồng thời, bỏ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 còn giúp việc phân luồng học sinh dễ dàng hơn, đảm bảo quyền lợi chính đáng của học sinh, nhất là học sinh cư trú tại địa bàn có trường tuyển sinh.

Thứ ba, nhiều người cho rằng xét tuyển có thể dẫn đến tình trạng chạy điểm, du di, nương tay khi cho điểm từ các lớp ở cấp trung học cơ sở để tạo điều kiện cho học sinh của trường mình, lớp mình. Tuy nhiên, theo tôi việc này không lớn, thậm chí ngược lại khi việc bỏ tuyển vào lớp 10 còn hạn chế tiêu cực. Bởi lẽ, kỳ thi này do địa phương tổ chức, từ khâu ra đề, chấm và công nhận kết quả nên việc kiểm tra, giám sát có thể không chặt chẽ, nghiêm túc dẫn đến tiêu cực, không công bằng.

Ngoài ra, việc bỏ thi tuyển sinh vào lớp 10 còn giảm áp lực về khối lượng công việc cho các cán bộ quản lý giáo dục, nhất là đội ngũ giáo viên. Sau một năm học với nhiều kỳ thi, công việc vất vả lẽ ra các thầy, cô giáo phải được nghỉ ngơi, có thời gian chăm lo việc gia đình hay phát triển bản thân thì lại phải tập trung lo tuyển sinh lớp 10 với nhiều công việc, áp lực.

Vì vậy, chính quyền các địa phương, nhất là ngành giáo dục và đào tạo cần xem xét bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 mà thay bằng hình thức xét tuyển công khai, minh bạch xem xét đến yếu tố cư trú thực tế của học sinh, chỉ nên tổ chức thi tuyển sinh vào một số trường chuyên.

Tuy vậy, để tiến hành xét tuyển vào lớp 10 công lập một cách công bằng cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng trường, lớp khang trang, đạt chuẩn; có sự phân công điều động giáo viên hợp lý như không tập trung quá nhiều giáo viên giỏi vào một số trường. Điều này sẽ giảm thiểu sự chênh lệch trong việc dạy và học giữa các trường trong cùng địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn