MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần sự gắn kết bài bản, dài hạn giữa trường ĐH sư phạm và trường phổ thông

Tường Vân LDO | 27/04/2022 17:29

Đây là ý kiến trao đổi từ phía các trường sư phạm tại tọa đàm "Trường sư phạm đồng hành cùng trường phổ thông trong phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục" do Bộ GDĐT tổ chức ngày 27.4.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP cho biết, chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đã vận hành trong 4 năm qua, với sự tham gia của 7 Trường Đại học Sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục.

Chương trình đã bồi dưỡng 31.390 giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Đội ngũ này đã cùng với giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục hỗ trợ cho gần 725.000 giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành các mô đun cốt lõi trong bồi dưỡng thường xuyên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, ý kiến trao đổi từ phía các trường đại học sư phạm cho rằng, việc hỗ trợ giáo viên phổ thông cần có sự gắn kết một cách bài bản, dài hạn giữa trường đại học sư phạm và các trường phổ thông.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, thực hiện chương trình ETEP đã làm thay đổi cơ bản các hoạt động của nhà trường theo hướng tích cực, trước hết là sự bài bản trong việc lập kế hoạch cho các hoạt động hàng năm, 5 năm và dài hơn.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm 

Thông qua đầu tư của Chương trình ETEP, hạ tầng công nghệ thông tin của trường cũng đã được nâng cấp đáng kể. Giảng viên của trường có cơ hội giao lưu, học hỏi và được tập huấn nhiều khía cạnh liên quan tới giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, góp phần hình thành một đội ngũ giảng viên có hiểu biết cơ bản về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, góp phần giải quyết các khó khăn cho giáo viên phổ thông trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị Bộ GDĐT ban hành các văn bản thống nhất để hỗ trợ cho hoạt động dạy học, giáo dục, công tác kiểm tra đánh giá và thi cử theo định hướng phát triển năng lực một cách đồng bộ.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy mô hình bồi dưỡng giáo viên phổ thông thường xuyên, liên tục, tại chỗ theo mô hình của Chương trình ETEP; ban hành chính sách để tiếp tục gắn trách nhiệm của các trường sư phạm với các sở giáo dục và đào tạo trong công tác bồi dưỡng giáo viên.

GS.TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế cũng đề nghị Bộ GDĐT cần có khung hướng dẫn thực hiện chương trình thật linh hoạt, giao quyền chủ động cho các Sở GDĐT tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương.

Về phía các Sở GDĐT, cần căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ để xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, thúc đẩy hoạt động và hiệu quả đóng góp của lực lượng giáo viên phổ thông cốt cán trong quá trình hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng.

Bên cạnh việc bồi dưỡng các mô đun cụ thể thuộc chương trình ETEP, các Sở GDĐT cần lấy ý kiến của giáo viên phổ thông để thu nhận nhu cầu bồi dưỡng cụ thể, từ đó chủ động phối hợp cùng các Trường Đại học Sư phạm xây dựng và triển khai nội dung bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của giáo viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn