MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cánh cửa vào lớp 10 không quá chật hẹp

Huyên Nguyễn LDO | 02/06/2022 15:56

Ông Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ với Lao Động một số góc nhìn liên quan tới tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Thưa ông, từ tháng 6 này, học sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023. Trong kỳ thi này, áp lực với học sinh là không hề nhỏ. Vậy những thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng yêu thích sẽ có những hướng đi nào?

- Học sinh lớp 9 năm nay có điều rất đặc biệt là thời gian các em phải học trực tuyến kéo dài từ lớp 7-8-9 nên phần nào có ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, ngành Giáo dục, giáo viên cũng đang nỗ lực giúp các em nắm chắc kiến thức, chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho kỳ thi vào lớp 10.

Với học sinh, phụ huynh thì ai cũng ao ước sẽ được vào những trường top đầu, có chất lượng giảng dạy, rèn luyện và kỷ luật tốt. Tôi cho rằng những mơ ước đó là chính đáng thôi. Tuy nhiên, thực tế thì cũng không ít cha mẹ học sinh có mong muốn, mơ ước, khát vọng quá lớn đối với con em mình nên tạo ra áp lực không nhỏ.

Ông Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: TAN

Tôi nghĩ rằng thực ra cánh cửa vào lớp 10 không phải quá chật hẹp vì chúng ta thấy hầu như các tỉnh thành, đặc biệt là tại TPHCM và Hà Nội, hệ thống trường chuyên, trường công chiếm tỉ lệ khá cao. Ngoài trường công lập, hiện nay, hệ thống trường tư thục, quốc tế, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề… đều đang nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh. Quan trọng là các em xác định được hướng đi phù hợp sẽ giải toả được áp lực không đáng có.

Vậy làm thế nào để các em xác định được hướng đi phù hợp, thưa ông?

- Khi chọn trường, các em phải căn cứ vào năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế, việc đi lại… lựa chọn một ngôi trường phù hợp nhất để thực hiện ước mơ.

Năng lực của mình có mức độ mà cứ đòi hỏi vào trường có chất lượng cao thì không phù hợp. Thậm chí, nếu cố gắng ôn thi để đỗ được đầu vào nhưng sau này cũng sẽ rất vất vả để theo học. Nó giống như 1 người gánh quá sức mình sẽ ảnh hưởng đến tâm lí, thể chất và đặc biệt làm cho các em thiếu tự tin dẫn tới tự ti, stress, buồn bã… thậm chí là trầm cảm vì không theo kịp chương trình và các bạn.

Nếu như không đỗ được vào ngôi trường mơ ước, các em cũng không nên lấy đó làm thất bại. Có rất nhiều ngôi trường khác giúp các em có thể thực hiện được ước mơ. Căn bản là các em cần có khát vọng học tập, vươn lên, chăm chỉ học hành.

Ngoài ra, lớp 10 năm nay học Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, trong quá trình chọn trường cần chú ý lựa chọn môn học định hướng nghề nghiệp tương lai.

Ông vừa nhắc tới việc lựa chọn môn học lớp 10, thực tế thì ngay các trường cũng đang gặp những khó khăn nhất định trong xây dựng chương trình phải không thưa Hiệu trưởng? Việc này liệu có ảnh hưởng tới triển khai dạy học cho học sinh lớp 10 năm nay hay không, thưa ông?

- Thực tế việc triển khai chương trình phổ thông mới có những khó khăn nhất định. Thứ nhất, còn một số nơi lúng túng trong tổ hợp môn học. Mặt khác, dư luận xã hội cũng có ý kiến khác nhau về môn Lịch sử là bắt buộc hay lựa chọn. Một số môn học như Mĩ thuật, Âm nhạc trong điều kiện cơ sở vật chất hiện tại, đội ngũ giáo viên cũng chưa thể đáp ứng được.

Ngoài ra còn một số vấn đề cần được giải đáp như học sinh khi lựa chọn môn học nhưng sau này khi thay đổi thì như thế nào…

Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành từ năm 2018 và đã có lộ trình thực hiện. Các nhà trường tuy có khó khăn nhưng không quá lớn, chỉ còn lúng túng nhất chỗ môn Lịch sử. Vì thế, chúng tôi đều mong Bộ GDĐT có chỉ đạo sớm nhất để giải quyết những khó khăn trong nhà trường, giúp nhà trường sớm hoàn thiện kế hoạch giảng dạy.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn