MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dư luận xôn xao về tin nhắn của một tài khoản được cho của là thầy giáo B.V.D, giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ nhắn tin mượn tiền phụ huynh. Ảnh: Anh Nhàn - Huyên Nguyễn

Chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên nhắn tin mượn tiền của phụ huynh

Huyên Nguyễn LDO | 23/12/2022 12:31

TPHCM - Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM đang chỉ đạo nhà trường kiểm tra, làm rõ tài khoản mạng xã hội của một giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ nhắn tin mượn tiền phụ huynh.

Ngày 23.12, Chánh Văn phòng Sở GDĐT TPHCM Hồ Tấn Minh cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo nhà trường kiểm tra, làm rõ thông tin vụ việc giáo viên nhắn tin mượn tiền của phụ huynh.

Theo thông tin ban đầu, trong nhóm Zalo phụ huynh lớp 11A15, một tài khoản có tên “Thầy D.C.N 11A15” nhắn rằng: “Anh chị ơi! Anh chị giúp em một lần với, do mẹ em bệnh nên em nợ 100 triệu xã hội đen. Anh chị có thể giúp em mỗi người 2 triệu được không? Anh chị giúp em là anh chị đã sinh em ra lần thứ hai rồi. Em tha thiết mong anh chị giúp đỡ em”.

Đồng thời, cũng tài khoản này đã gửi thêm một tin nhắn khác với nội dung: “Em bán đất ở quê mà qua Tết người ta mới giao tiền. Giờ em phải trả tiền cho chủ nợ. Em đã không ngủ cả tuần nay rồi ạ”.

Ngoài ra, tin nhắn còn cung cấp cả số tài khoản ngân hàng của người được cho là B.V.D.

Tin nhắn gửi đến nhóm phụ huynh từ tài khoản được cho là của giáo viên B.V.D. Ảnh chụp màn hình.

Chia sẻ về thông tin này, nam giáo viên B.V.D cho biết không nhắn những thông tin nói trên, mà là tài khoản Zalo của thầy đã bị hack. Hiện thầy D cũng đã xóa tài khoản này.

Trước đó, từ ngày 14.12, Trường THPT Nguyễn Công Trứ cũng đã phát đi cảnh báo đến hàng ngàn phụ huynh học sinh trước tình trạng nghi ngờ mạo danh giáo viên nhắn tin vay mượn tiền.

Cảnh báo nêu: "Thời gian gần đây ban lãnh đạo nhà trường đã tiếp nhận nhiều thông tin về trường hợp có người vay mượn tiền của giáo viên, phụ huynh học sinh số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng không bảo lãnh hoặc vay mượn qua các app vay tiền vì thủ tục đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp thông tin CCCD là có thể vay được tiền. Vậy nên một số đối tượng xấu đã lợi dụng việc đánh cắp thông tin hoặc sử dụng thông tin công khai của bạn trong danh bạ điện thoại để người thực hiện vay tiền qua app nhưng sau đó không trả…".

Nhà trường khuyến cáo một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin vay tiền như sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng mượn tiền. Đối với các trang Zalo, Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ.

Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nhà trường đồng thời yêu cầu viên chức, giáo viên, người lao động trong nhà trường không vay tiền qua app không rõ nguồn gốc; không được nhân danh đơn vị, cung cấp điện thoại hoặc bất cứ lý do gì nhắc đến ban giám hiệu, công đoàn làm cơ sở hay lý do để vay mượn tiền đồng nghiệp, phụ huynh học sinh.

Ban giám hiệu khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi, tin nhắn mượn tiền nhân danh là thành viên của hội đồng sư phạm nhà trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn