MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh mầm non tại Hà Nội sẽ đến trường học trực tiếp từ ngày 13.4. Ảnh: ĐT

Chuyên gia chỉ cách phòng lây nhiễm khi trẻ mầm non trở lại trường

Tường Vân LDO | 12/04/2022 08:52

Bên cạnh niềm vui con sắp được đi học, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi trẻ mầm non chưa được tiêm vaccine COVID-19.

Phụ huynh vừa mừng vừa lo

Hơn 1 năm nay, chị Nguyễn Diệu Linh (quận Hà Đông, Hà Nội) chật vật xoay sở để vừ kiếm tiền, vừa chăm sóc 2 con. Bé lớn nhà chị học lớp 6, bé nhỏ 3 tuổi. May mắn là chị Linh được công ty tạo điều kiện làm việc từ xa để thuận tiện trông 2 con. Bé lớn ngoài thời gian học online sẽ phụ mẹ trông em nhỏ. 

Chị kể, tuần vừa qua, Hà Nội cho học sinh lớp 1-6 đi học trở lại, đồng nghĩa với việc chị phải quay lại công ty làm việc và không thể trông con nhỏ. Không có ai trông con, chị đành phải gửi tạm bé út về quê nhờ ông bà chăm sóc.

Bởi vậy, nghe tin Hà Nội cho trẻ mầm non toàn thành phố đi học trực tiếp từ 13.4, bà mẹ 2 con như trút gánh nặng. Tranh thủ dịp nghỉ lễ, 2 vợ chồng chị về quê đón con lên Hà Nội để chuẩn bị cho việc tới trường. 

Giáo viên mầm non tất bật dọn dẹp, chuẩn bị cho ngày hội “đưa trẻ đến trường“. Ảnh: NVCC

"Vậy là sau gần 1 năm ở nhà, cả 2 cháu đều được đến trường. Tôi mong con đi học để được dạy bài bản các kĩ năng cần thiết, phát triển tư duy, giao tiếp nhiều hơn. Hy vọng dịch bệnh được kiểm soát để việc học của con không bị gián đoạn" - chị Linh bày tỏ.

Dù mong ngóng con được đến trường từng ngày, nhưng chị Linh chia sẻ rằng, chị có chút lo lắng khi con đi học trở lại, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Không chỉ chị Linh, rất nhiều phụ huynh cũng chung tâm trạng vừa vui mừng xen lẫn lo lắng, băn khoăn về vấn đề làm thể nào bảo đảm an toàn cho con, khi trẻ còn quá nhỏ để có thể chấp hành hướng dẫn phòng dịch và các bé đều chưa được tiêm vaccine COVID-19.

Dạy học theo các nhóm nhỏ

Trước băn khoăn, lo lắng của không ít bậc phụ huynh, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh việc trẻ dù được tiêm vaccine hay chưa tiêm thì đi học là vô cùng cần thiết. 

Để tăng tính thuyết phục, ông đưa ra dẫn chứng về việc nhiều quốc gia trên thế giới đã hối thúc học sinh, sinh viên đi học trở lại dù chưa tiêm vaccine và đã kiểm soát bằng nhiều biện pháp, chẳng hạn như Nhật Bản, Singapore tăng cường kiểm tra triệu chứng; Canada, Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm...

"Việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm, mắc các bệnh không lây nhiễm... Còn phần lớn trẻ em mắc COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ.  Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học.

Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả COVID-19 nên việc cho trẻ em các cấp học đến trường là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng, từ tiêm vaccine COVID-19 cho người lớn, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi đến tiêm phòng cho các nhân viên trường học và trẻ nhỏ."- ông Phu nói.

Để phòng bệnh cho trẻ, chuyên gia này cho rằng, nhà trường nên bố trí các em theo nhóm, lớp và cho ăn riêng, ngủ riêng, để hạn chế tối đa tiếp xúc với nhau. Như vậy, khi có trẻ dương tính SARS-CoV-2, việc xử lí, khoanh vùng sẽ dễ dàng, gói gọn trong phạm vi hẹp và không ảnh hưởng tới nhóm khác.

"Khi đi học, các trường vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh. Phụ huynh cũng cần phối hợp tốt với nhà trường để đảm bảo an toàn cho các cháu. Khi có trẻ F0, gia đình cho cháu nghỉ học, báo ngay với nhà trường để theo dõi sức khỏe những cháu cùng lớp, nếu thấy xuất hiện sốt, ho, khó thở,… thì cũng cho các trẻ này nghỉ" - ông Phu nhấn mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn